Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nigeria (FCCPC) cho biết đã bắt đầu điều tra chính sách quyền riêng tư của WhatsApp vào tháng 5/2021 và nhận thấy nó được áp dụng đối với người dùng Nigeria mà không tuân theo các tiêu chuẩn công bằng hiện hành. Cuộc điều tra được phối hợp tổ chức với Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Nigeria và kéo dài 38 tháng.
Nhà chức trách tin rằng Meta chiếm đoạt dữ liệu người dùng Nigeria trên nền tảng mà không có sự đồng ý, lạm dụng vị thế thống trị thị trường để ràng buộc chính sách quyền riêng tư mang tính khai thác đối với người dùng, phân biệt đối xử với người dùng tại Nigeria so với các khu vực pháp lý khác có quy định tương tự.
Người đứng đầu FCCPC – Adamu Abdullahi chia sẻ phát hiện của cuộc điều tra, đó là các chính sách của Meta không cho người dùng tùy chọn hay cơ hội để tự xác định hoặc có quyền đối với hành vi thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu cá nhân.
WhatsApp phản đối quyết định của nhà chức trách Nigeria cũng như số tiền phạt và khẳng định sẽ kháng cáo.
Meta được lệnh ngay lập tức khôi phục quyền kiểm soát việc sử dụng dữ liệu của người dùng Nigeria. Công ty cũng được lệnh đảm bảo rằng chính sách bảo mật của mình tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu hiện hành và ngay lập tức dừng quá trình chia sẻ thông tin người dùng WhatsApp với các công ty khác thuộc Meta và bên thứ ba khác.
Đây không phải lần đầu Meta bị phạt vì hành vi chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng. Hồi tháng 5, cơ quan cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ đã phạt công ty này 1,2 tỷ lira vì chia sẻ dữ liệu giữa Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp.
Meta đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ châu Âu và các khu vực pháp lý khác vì bị cáo buộc vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Kế hoạch sử dụng dữ liệu người dùng để đào tạo các mô hình AI mà không qua xin phép người dùng cũng bị chỉ trích.
Trong khi đó, cơ quan quản lý cạnh tranh Nam Phi đã thông báo kế hoạch điều tra liệu các nền tảng kỹ thuật số, bao gồm Meta, có cạnh tranh không bình đẳng với các nhà xuất bản tin tức bằng cách dùng nội dung của họ để tạo ra doanh thu quảng cáo hay không.
(Theo Bloomberg, DW)