Chỉ vài năm trước, Microsoft còn bị xem là gã khổng lồ chậm chạp của giới công nghệ. Dù lớn và có lãi, công ty không thành công trong các lĩnh vực di động, tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây. Trong thập kỷ kết thúc năm 2012, cổ phiếu chỉ tăng 3%.
Ngày hôm nay của Microsoft lại là một câu chuyện khác. Nhà sản xuất Windows đã đoạt ngôi công ty đại chúng giá trị nhất nước Mỹ từ tay Apple nhờ cổ phiếu tăng 30% trong 12 tháng qua. Việc ấy đã xảy ra như thế nào?
Sức mạnh của Microsoft
Các nhà đầu tư của Apple lo ngại doanh số iPhone chậm lại, trong khi Facebook và Google bị tấn công liên tục vì vai trò trong phát tán tin giả mạo. Giới đầu tư lo lắng chính sách quyền riêng tư của họ có thể khiến người dùng và nhà quảng cáo sợ hãi. Microsoft đã trở thành ví dụ thực tiễn của việc một công ty từng thống trị thị trường có thể thành công nhờ vào sức mạnh của bản thân và tránh việc trở thành “tù nhân của quá khứ”.
Microsoft theo đuổi điện toán đám mây, rút lui khỏi thị trường smartphone và quay lại gốc rễ với tư cách nhà cung ứng công nghệ cho khách hàng doanh nghiệp. Chiến lược này được ông Satya Nadella vạch ra không lâu sau khi trở thành Tổng Giám đốc năm 2014. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu Microsoft đã tăng gần gấp ba giá trị.
CEO Satya Nadella của Microsoft |
Chặng đường đến với điện toán đám mây – xử lý, lưu trữ, phân phối phần mềm như một dịch vụ trên môi trường Internet từ các trung tâm dữ liệu từ xa – của Microsoft khá dài và đôi khi không như mong đợi. Công ty là người tiên phong về điện toán đám mây những năm 1990 với dịch vụ MSN và sau này là Bing. Năm 2010, 4 năm sau khi Amazon tiến vào thị trường đám mây, Microsoft mới giới thiệu dịch vụ đám mây riêng nhưng không có sản phẩm nào so được với Amazon cho đến năm 2013.
Khi ấy, dịch vụ đám mây của Microsoft vẫn chỉ là mảng phụ. Windows là mối quan tâm lớn nhất, đây chính là thứ đã mang lại sự giầu có và quyền lực cho hãng trong suốt kỷ nguyên điện toán cá nhân. Điều đó thay đổi sau khi ông Nadella thế chân người tiền nhiệm Steve Ballmer. Ông đưa đám mây thành ưu tiên hàng đầu và nay, Microsoft là người chơi lớn thứ 2 chỉ sau Amazon. Thị phần đám mây của hãng đạt 13% vào cuối năm 2015, còn Amazon là 33%.
Microsoft cũng xây dựng phiên bản đám mây của các ứng dụng Office nổi tiếng như Word, Excel, PowerPoint, mang tên Office 365. Nó thu hút những người muốn sử dụng phần mềm như dịch vụ Internet và mang lại cạnh tranh cho Microsoft so với các đối thủ khác như Google.
Nỗ lực của Microsoft được đền đáp chậm mà chắc. Theo David Yoffie, Giáo sư Đại học kinh tế Havard, ông Nadella đã làm được điều thiết yếu là chuyển dịch sang đám mây, đưa Microsoft về lại con đường tăng trưởng mạnh. Chính điều đó góp phần đẩy giá cổ phiếu công ty lên cao hơn.
Tránh xa các thất bại
Khi Microsoft mua mảng di động Nokia năm 2013, ông Ballmer gọi đây là “bước đi táo bạo vào tương lai”. Hai năm sau, ông Nadella đã tránh xa tương lai đó, sa thải 7.800 nhân sự. Microsoft không cố gắng cạnh tranh với những người dẫn đầu trên thị trường smartphone như Apple, Google, Samsung. Thay vào đó, họ tập trung phát triển ứng dụng và phần mềm khác cho khách hàng doanh nghiệp.
Microsoft có một sản phẩm tiêu dùng thành công, đó là máy chơi game Xbox. Là một mảng độc lập và mang về doanh thu 10 tỷ USD, Xbox vẫn chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu công ty. Sản phẩm chính của Microsoft vẫn là về tiện ích, bao gồm các công cụ làm việc để mọi người làm tại nhà hoặc công ty. Công nghệ đám mây Azure là dịch vụ cho doanh nghiệp và là nền tảng để lập trình viên viết ứng dụng.
Những vụ thâu tóm lớn mà ông Nadella thực hiện nhằm mục đích đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cho người dùng doanh nghiệp và lập trình viên. Năm 2016, Microsoft mua lại mạng tuyển dụng LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD để kết hợp “đám mây chuyên nghiệp và môi trường chuyên nghiệp”. Năm nay, công ty lại chi 7,5 tỷ USD mua GitHub, một nền tảng phần mềm nguồn mở đang được 28 triệu lập trình viên sử dụng.
Mở cửa công nghệ và văn hóa
Dưới thời ông Nadella, Microsoft tỏ ra thoải mái hơn. Microsoft không còn là trung tâm hay mỏ neo của hãng nữa. Các ứng dụng Microsoft không chỉ chạy trên máy tính Macintosh mà còn trên các hệ điều hành khác. Phần mềm nguồn mở và miễn phí – từng bị ghét cay ghét đắng tại Microsoft – giờ đây trở thành công cụ quan trọng cho phát triển phần mềm hiện đại.
Ông Nadella chủ trương suy nghĩ theo lối cởi mở. Trong cuốn sách “Hit Refresh” xuất bản năm 2017, người đứng đầu Microsoft viết: “Chúng ta cần tham lam trong khát khao học hỏi từ bên ngoài và đưa kiến thức đó vào Microsoft”. Hiệu quả kinh doanh của công ty gợi ý công thức của ông đang đúng.
Giáo sư Michael Cusumano của Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: “Thế giới quan xoay quanh Windows cũ kỹ cản trở đổi mới. Microsoft đã thay đổi về văn hóa và trở lại là nơi làm việc hấp dẫn”.