Tín hiệu tích cực từ tìm kiếm mỏ dầu mới
“Trước khi bước sang năm 2023, PVEP đã trải qua 10 năm sản lượng khá suy giảm”.
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Xuân Dương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tại tọa đàm ngày 16/12.
Với PVEP, 2023 là năm đầu tiên sau hơn 10 năm sản lượng khai thác của đơn vị không bị giảm khi bằng năm 2022. Nhưng theo lãnh đạo PVEP, việc chặn đứng được sự suy giảm cũng là áp lực rất lớn với PVEP để tăng trưởng trong thời gian tới và không bị tái suy giảm.
Muốn chặn đà suy giảm thì phải có mỏ mới. Theo ông Dương, về mặt thăm dò, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí đã đạt được thành tựu về gia tăng trữ lượng. Cụ thể, PVEP hoàn thành các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng 3,46 triệu tấn dầu quy đổi, về đích sớm 50 ngày.
PVEP đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng của năm 2024 là 4 triệu tấn.
“Về sản lượng khai thác, mục tiêu 2024 vẫn là không để suy giảm. Chúng tôi phải có sản lượng mới từ các mỏ mới hoặc nâng được sản lượng từ những giếng cũ và bắt buộc phải sử dụng công nghệ mới” - ông Dương nói.
Tính chung toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), báo cáo của PVN cho thấy: Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của PVN đã có thành công lớn trong năm 2023 khi hoàn thành chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí cả năm trước 1 tháng 10 ngày, đạt 12 triệu tấn quy dầu.
Đồng thời, PVN có thêm hai phát hiện dầu khí mới tại Lô 16-2 (giếng khoan Hà Mã Vàng-1X) và tại lô PM3-CAA (giếng khoan Bunga Lavatera-1). Đây là kết quả rất đáng khích lệ khi lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây, tập đoàn có 2 phát hiện mới trong một năm.
Thực tế, gia tăng trữ lượng dầu khí là nhiệm vụ sống còn của PVN trong bối cảnh các mỏ dầu truyền thống đều ở giai đoạn suy kiệt. Trữ lượng và khả năng cung cấp của dầu thô, khí tự nhiên sẽ sụt giảm mạnh nếu không có phát hiện mới.
Báo cáo giám sát về năng lượng của Quốc hội hồi tháng 10/2023 cũng lưu ý: Khai thác dầu thô trong nước suy giảm nhanh trong giai đoạn 2016-2020. Các mỏ dầu hiện hữu đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, trong khi độ gia tăng trữ lượng dầu mới thấp do khó khăn về đầu tư cho khảo sát thăm dò.
Khó tìm thêm mỏ mới
Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn bùng nổ về công tác tìm kiếm thăm dò, thu được nhiều kết quả tích cực. Năm 2014 và 2015, gia tăng trữ lượng dầu khí đều đạt trên 40 triệu tấn.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn này có 24 phát hiện dầu khí mới, trong đó có nhiều phát hiện dầu khí quan trọng.
Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2016, việc tìm kiếm mỏ mới suy giảm mạnh. Giai đoạn 2016-2020 chỉ có 7 phát hiện dầu khí mới.
Giai đoạn 2011-2015 cũng có tới có 21 hợp đồng dầu khí được ký mới, trong đó có nhiều hợp đồng dầu khí ở các lô nước sâu, xa bờ. Nhưng đến giai đoạn 2016-2020 chỉ có 3 hợp đồng dầu khí được ký mới.
Việc đầu tư cho tìm kiếm thăm dò cũng không còn giữ được như giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn này, đầu tư cho tìm kiếm thăm dò đạt 4,72 tỷ USD (trung bình là 946 triệu USD/năm), trong đó đầu tư phía nước ngoài 56,9%.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016-2019 đầu tư cho tìm kiếm thăm dò chỉ đạt 1,116 tỷ USD (trung bình 279 triệu USD/năm; bằng 29,5% trung bình giai đoạn 2011-2015), trong đó đầu tư nước ngoài chiếm 66,7%.
Theo thống kê của PVN, gia tăng trữ lượng trung bình giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt khoảng 12,6 triệu tấn/năm, bằng 55% so với sản lượng khai thác. Trong khi đó, con số gia tăng trữ lượng phải đạt từ 100-120% để đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển.
Năm 2022, gia tăng trữ lượng dầu khí của PVN khởi sắc hơn khi đạt 16,97 triệu tấn quy dầu (tăng 26% so với năm 2021), bằng 63% so với sản lượng khai thác trong năm.
Việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững là một thách thức vô cùng to lớn.
Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng từng nhấn mạnh, đối với ngành dầu khí chỉ tiêu gia tăng trữ lượng là rất quan trọng. Hiện nay, mỗi năm Petrovietnam khai thác khoảng 10 triệu tấn dầu, nếu không có trữ lượng gia tăng thì sản lượng khai thác sẽ giảm dần. Cho nên, đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng có ý nghĩa rất lớn.