Mới đây, Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam" đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án giai đoạn chuyển tiếp của UNFPA: “Các hoạt động tiếp nối Dự án xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023". Dự án nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa, hay Ngôi nhà Ánh Dương tại Việt Nam.

Sau hơn 2 năm thành lập và hoạt động, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm, cách làm và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, vận hành cũng như nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam. 

Đồng thời, nhất trí việc nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa là hoàn toàn phù hợp với luật pháp và những chính sách, ưu tiên của Việt Nam trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình hiện nay. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp và tham gia vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Với quan điểm lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ, việc thảo luận các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh Dương là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận các dịch vụ tổng hợp, thiết yếu và có chất lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là phải có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, việc giới thiệu mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa là nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi bạo lực và hỗ trợ cho những người bị bạo lực. 

Tại Việt Nam, UNFPA muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm cả những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm. Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Theo Điều tra quốc gia do UNFPA hỗ trợ thực hiện năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 64 thì có gần 2 người đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và/hoặc kinh tế trong đời.

Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề còn bị che giấu với hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công và một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực không chia sẻ với ai về chuyện này. Bạo lực trên cơ sở giới đang gây ra thiệt hại đáng kể đến kinh tế Việt Nam, ước tính chi phí tổn thất chiếm 1.81% GDP. 

Nghiêm Minh Thu, Nguyễn Thị Diệu Bình