Điển hình là mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng  theo chuỗi liên kết. 

Mỗi năm HTX tiêu thụ 670 đến 700 tấn thóc tươi tại đầu bờ cho các thành viên HTX tham gia mô hình. Gía trị thu nhập từ 4,5 đến 4,8 tỷ đồng/năm. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm ngày công lao động, nâng cao gía trị kinh tế trên đầu sào, tạo thu nhập ổn định, được các thành viên HTX đón nhận, duy trì phát triển.

dua luoi trong nha kinh.jpg
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Uý (tỉnh Hà Nam)  luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.

Trong xây dựng cánh đồng mẫu, thực hiện đề án của Sở NN&PTNT, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Uý đã triển khai xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 90,3ha sản xuất lúa hàng hóa, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô nếp…. Mô hình cho giá trị thu nhập từ 110 đén 140 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, HTX cũng tham mưu cho cấp ủy đảng chính quyền chuyển đổi 72,44 ha đất lúa sang canh tác trồng cây ăn quả. Hiện đã chuyển dịch được 58ha. Xây dựng mô hình trồng cây vải u lai trứng với diện tích 23,82ha, mô hình đang cho thu nhập 3 đến 5 tỷ đồng/năm. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng thương hiệu VietGAP, cấp tem chứng nhận sản phẩm an toàn cho vải lai u trứng trên địa bàn. Thành lập các nhóm, hộ, câu lạc bộ để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc vải lai u trứng nhằm nâng cao năng suất, giá trị loại cây này, góp phần cải thiện đời sống người dân, xây dựng bộ mặt nông thôn mới bền vững.

Theo lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Uý, giá trị các chuỗi liên kết là rõ ràng. Song việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của xã còn hạn chế. Một trong những hạn chế đang được chú ý là tính bền vững của các chuỗi liên kết chưa cao, có thể thấy rõ ở chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chuỗi liên kết này vẫn lỏng lẻo theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.

Đặc biệt, kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa cho không ít HTX hiện nay vẫn là các chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy chợ truyền thống vẫn là một trong những kênh tiêu thụ lớn nhưng vấn đề đặt ra là phương thức quản lý, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản vào trong chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn chưa được quan tâm nên nông sản của HTX dù được sản xuất an toàn nhưng chưa chắc khi đến tay người dân đã đảm bảo chất lượng.

Đi liền với đó, HTX cũng đã đưa được sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch nhưng số lượng còn hạn chế. Các quầy kệ của các cửa hàng thực phẩm sạch hiện vẫn chủ yếu bán các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài. Những điều này đã thu hẹp đầu ra của các nông sản hàng hóa của HTX và làm giảm sức cạnh tranh của HTX trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Uý cho biết, dù có những vướng mắc, thách thức nhất định, song HTX xác định tiếp tục mở rộng và phát triển các chuỗi iên kết. Để phát huy những kết quả nhất định, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, trong thời gian tới, HTX sẽ tập trung vào những vấn đề sau: 

 Thứ nhất là, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên phương tiện truyền thông của huyện, tỉnh về gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm tốt để kết nối doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, người tiêu thụ.

 Thứ hai là, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Uý kết hợp với cơ quan chuyên môn tiếp tục có những chính sách ưu đãi sản xuất hàng hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ kết cấu hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong tỉnh và trên cả  nước.

Cuối cùng là tham gia các hội chợ triển lãm chương trình xúc tiến, đầu tư quảng bá sản phẩm nông nghiệp, Hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình xúc tiến, đầu tư, quảng bá sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản…

 Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh