Điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng thuận lợi, tạo cho Yên Thế có lợi thế phát triển ngành nông nghiệp đa dạng với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn phù hợp với nhu cầu thị trường.
Huyện xác định chăn nuôi gà đồi là vật nuôi chủ lực và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng và quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực của huyện năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, cho biết, với cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi đã trở thành ngành hàng chủ lực. Trong đó, chú trọng tới công tác nâng cao chất lượng giống, phòng chống dịch bệnh, chuẩn hóa quy trình, quy hoạch vùng chăn nuôi, đặc biệt phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi gà đồi an toàn dịch bệnh theo Đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế - tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”.
Phương thức chăn nuôi được chuyển dần từ truyền thống nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại. Đến nay, tổng đàn gia cầm duy trì ổn định 4-4,5 triệu con (trong đó đàn gà ổn định 3,8 - 4 triệu con); cơ cấu giống gà theo hướng đa dạng sản phẩm; điều chỉnh tổng đàn hợp lý từng thời điểm trong năm nhằm phù hợp yêu cầu thị trường; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thông qua phát triển các THT, HTX trong chăn nuôi... Kết quả hàng năm đã cung cấp ra thị trường 12-14 triệu con, sản lượng trứng đạt trên 10 triệu quả, giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng (chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của huyện) với gần 4.000 hộ chăn nuôi thường xuyên, quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên.
Công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được tập trung chỉ đạo, nhiều công nghệ mới, công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất gà đồi như: lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng chế phẩm sinh học (đệm lót sinh học) trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường, sử dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát..., góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và phát triển theo hướng bền vững.
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, đến nay, huyện cơ bản hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi gà đồi tập trung, quy mô lớn, chất lượng không ngừng được nâng lên. Chăn nuôi gà đã trở thành nghề cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.