LTS: Đất đai là lĩnh vực nóng nhất những năm qua, cũng là lĩnh vực có số cán bộ cấp cao sai phạm nhiều nhất. Để đất đai không chỉ là nguồn lực cho phát triển mà còn góp phần ổn định xã hội và tâm lý người dân... là điều người dân kỳ vọng ở Luật Đất đai sửa đổi.

Theo Bộ TN&MT, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 - NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp tại điều 106. Theo đó, Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Người dân huyện Yên Thế, Bắc Giang làm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp. Ảnh: Báo Bắc Giang

TS. Nguyễn Đình Bồng, Hội Khoa học Đất Việt Nam đánh giá, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 18, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Cụ thể, đã hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển…

Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất; các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp...

Nhiều dự án chậm tiến độ, bỏ hoang trở thành nơi chăn thả trâu bò. Ảnh: Kiên Trung

Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai; quản lý dựa vào kết quả và mục tiêu cuối cùng.

Hoàn thiện các quyền, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai…

Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích. Hoàn thiện các cơ chế để Tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất…

Thúc đẩy tích tụ đất đai

TS. Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam đánh giá, các quy định của dự thảo Luật đất đai sửa đổi liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai lần này có nhiều quy định mới nhằm thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai. Ảnh: Một thanh niên xóm Bàng, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) bên thửa đất nằm lọt thỏm giữa KĐT bỏ hoang.

Dự thảo đã kế thừa và bổ sung một số thuật ngữ như: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, vùng phụ cận, vùng giá trị đất, giá của thửa đất chuẩn; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, bao gồm quyền tiếp cận đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

Dự thảo bổ sung quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

“Dự thảo Luật đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá. Bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (so với hạn mức không quá 10 lần theo quy định của Luật Đất đai 2013).

Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp.

Với những quy định mới về tích tụ, tập trung đất đai sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ  tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn”, TS Nguyễn Đình Bồng nhận định.