Tháng 7/2012, một số quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã bí mật tới Muscat, Oman, nơi họ đã gặp các nhà ngoại giao Iran lần đầu tiên trong một loạt các cuộc đàm phán sau hậu trường. Dư luận từng không nghĩ đến việc sẽ có một cuộc gặp như thế này. Lí do vì hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức hàng thập kỷ trước đó và việc Mỹ gia tăng áp lực kinh tế đối với Iran đã khiến các hoạt động ngoại giao trực tiếp trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những nỗ lực đối thoại bí mật này rốt cuộc đã cung cấp nền tảng cho sự ra đời của thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA vào năm 2015 giữa Tehran, Washington và 5 cường quốc thế giới khác. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế tìm được cách làm chậm tiến độ hướng tới khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
7 năm sau, thỏa thuận đó đang trong tình trạng nguy kịch. Chính quyền ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận JCPOA vào tháng 5/2018 và Iran gần đây cũng bắt đầu vi phạm các giới hạn về hoạt động hạt nhân vốn được ấn định trong thỏa thuận. Căng thẳng tăng cao ở Vịnh Ba Tư, với việc Iran bắt giữ một tàu của Anh và thông báo kế hoạch thành hình một đường dây được tin là các điệp viên thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ngày càng có nhiều lo ngại rằng hai nước đang lún sâu vào xung đột có nguy cơ bùng phát thành đụng độ quân sự quy mô lớn và gây bất ổn hơn nhiều.
Song, một điều thú vị đã xảy ra trong bối cảnh đổ vỡ. Giới chức Iran dường như đang đàm phán và thay vì sử dụng các kênh hậu trường, họ làm điều đó ngay trước mắt công chúng.
Các quan chức Iran, đáng chú ý nhất là Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đã căn chỉnh các hoạt động ngoại giao với Washington. Và các động thái khiêu khích của Tehran tại vùng Vịnh, nếu căn cứ vào các tiêu đề nghẹt thở do báo chí đăng tải, có thể được coi là một phần quan trọng trong chiến lược đàm phán của họ, vốn chú trọng việc củng cố thuyết phục bằng sự hăm dọa. Kết hợp lại, các tín hiệu ám chỉ người Iran đang dọn đường cho các cuộc thương lượng và nếu Tổng thống Mỹ Trump thực sự nghiêm túc về ý định "muốn Iran trở nên vĩ đại một lần nữa", ông nên tận dụng tối đa cơ hội này trước khi căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Sự gắn kết giữa Iran và Mỹ đã trải qua một chặng đường dài. Năm 1979, sau cuộc cách mạng Hồi giáo, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về những liên hệ chính thức giữa các nhà lãnh đạo mới của Iran với giới chức cấp cao Mỹ, làm dấy lên những cuộc biểu tình dữ dội ở Tehran và đỉnh điểm là việc xâm chiếm đại sứ quán Mỹ cũng như cuộc khủng hoảng bắt giữ con tin kéo dài 444 ngày.
Sau bê bối Iran-Contra (tháng 11/1986, tờ báo Al-Shiraa của Lebanon đã khui ra việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bất chấp lệnh cấm vận, lén lút thỏa thuận bán vũ khí cho Iran và viện trợ trái phép cho Contra, lực lượng lưu vong chống phá Nicaragua), ngay cả các hoạt động ngoại giao thầm lặng với giới chức Mỹ cũng được coi là "nụ hôn chết chóc" ở Iran. Suốt nhiều thập kỷ, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã từ chối mọi đề nghị đàm phán chính thức với Washington và việc ông miễn cưỡng đồng ý với các cuộc thương lượng hạt nhân thời Obama rốt cuộc đã bị hủy hoại sau khi Tổng thống Trump xé bỏ thỏa thuận JCPOA.
Tuy nhiên, ngay cả với kết cục cay đắng hơn, thỏa thuận hạt nhân cùng các liên hệ song phương mãnh liệt trong suốt những năm cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã để lại dấu ấn trong chính trường Iran. Việc liên lạc với Washington hiện đã được bình thường hóa một cách hiệu quả tại nước Cộng hòa Hồi giáo, nhiều đến mức một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Zarif và một thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Mỹ, người từng tìm kiếm sự phê chuẩn của Tổng thống Trump đối với cuộc tiếp xúc này, hầu như không gây xôn xao dư luận. Hai mươi năm trước, một cuộc phỏng vấn của nhà lãnh đạo Iran với một kênh tin tức Mỹ từng được coi là một bước đột phá gây sốc.
Ngoại trưởng Zarif, một nhà ngoại giao tài ba của Iran đã có hai chuyến thăm cấp cao tới New York trong những tháng gần đây, gặp gỡ các đại diện từ cả giới truyền thông, giới học giả và Đồi Capitol. Các chuyến đi dạng quan hệ công chúng này hé lộ, Tehran dường như đang thử phản ứng của chính quyền Trump.
Theo phong cách đặc trưng của Iran, chiến dịch sát hạch ngoại giao nói trên đang diễn ra cùng lúc các nhà lãnh đạo Iran phát đi những tín hiệu mạnh mẽ chống lại bất kỳ điều gì như vậy. Chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ đã gây ra các hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế Iran và quan điểm chính thức của Tehran, như lãnh tụ tinh thần Khamenei đã nêu rõ, là Iran sẽ không đàm phán với "một con dao kề cổ họng".
Ông Khamenei đã thẳng thừng từ chối triển vọng thương lượng về những gì Iran coi là khả năng phòng thủ thiết yếu của quốc gia, chẳng hạn như chương trình tên lửa của nước này. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Tehran hồi tháng trước, rõ ràng là theo yêu cầu của lãnh đạo Nhà Trắng, ông đã phải ra về tay không với một lời từ chối cộc lốc trùng vào thời điểm xảy ra một đợt tấn công ủy nhiệm mới vào các hoạt động vận tải ở Vùng Vịnh. Đáng nói, một trong những chiếc tàu chở dầu bị tấn công thuộc sở hữu của một công ty Nhật.
Theo báo Politico, đòn giáng của Tehran phản ánh thực tế khắc nghiệt về sự không hài lòng của quốc gia Hồi giáo trong hiện tại. Các quan chức Iran khẳng định, họ có thể đối phó với áp lực của Mỹ. Nhưng chiến dịch phối hợp nhằm gia tăng mức độ đe dọa ngay cả khi họ thể hiện sự ỡm ờ với các đề nghị ngoại giao đã để lộ nhận thức ở các cấp lãnh đạo cao nhất của quốc gia Hồi giáo rằng, nước này không thể chống chịu được cuộc bao vây kinh tế vô thời hạn của Mỹ.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AP |
Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng như các cuộc gặp riêng tư của ông Zarif ở Mỹ truyền tải một thông điệp linh hoạt, thậm chí thành thật. Ngoại trưởng Iran đã đưa ra những lời khen ngợi dè dặt dành cho Tổng thống Trump trước nhà báo Fareed Zakaria của kênh CNN, ca ngợi "quyết định rất thận trọng" của người đứng đầu Washington khi hủy kế hoạch tấn công quân sự Iran sau khi lực lượng Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ hồi tháng trước. Ông Zarif cũng đưa ra một vài gợi ý nhỏ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân trong một cuộc trò chuyện với các phóng viên báo in và khi xuất hiện trên kênh Fox News, ông đã hướng sự chú ý tới lòng tự ái của ông Trump cũng như sự ngờ vực của lãnh đạo Nhà Trắng đối với các cố vấn diều hâu của mình.
Ngay sau khi ông Zarif gợi ý với các phóng viên Mỹ về khả năng trao đổi tù nhân, chính quyền Iran đã bất ngờ thả Nizar Zakka, một người đàn ông Lebanon có quyền thường trú ở Mỹ, sau hơn 3 năm giam giữ người này vì tội gián điệp. Không có động thái nào cho thấy các điều khoản của thỏa thuận toàn diện mà chính quyền Trump ủng hộ, nhưng các quyết định của Iran đang bắt đầu định hình một khung sơ bộ cho các cuộc đàm phán song phương.
Cách tiếp cận đầy nghệ thuật của ông Zarif phù hợp với nội dung cuộc tranh luận bên trong chính trường Iran, vốn suốt nhiều tháng qua đã xuất hiện những đồn đoán ngấm ngầm về khả năng điều chỉnh đường hướng ngoại giao nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện tại. Những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng và các chính trị gia ôn hòa ở Iran gần đây đã kêu gọi đàm phán vô điều kiện. Thậm chí cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad còn công khai về chính sách ngoại giao mới.
Các nhà quan sát Iran lâu năm tỏ ra không ngạc nhiên trước việc ông Zarif được phái tới New York ngay cả khi căng thẳng đang leo thang ở Vịnh Ba Tư, với một loạt các cuộc tấn công vào tàu chở dầu, đường ống dẫn dầu và nhiều cơ sở liên kết với Mỹ ở Iraq, vụ bắn hạ máy bay không người lái Mỹ và hành động khiêu khích mới nhất của Iran khi bắt giữ một tàu chở dầu của Anh đang di chuyển qua Vùng Vịnh. Iran đã thực hiện chiến lược kết hợp ngoại giao với vũ lực, khai thác sự khôn ngoan của Ngoại trưởng Zarif bên cạnh cú đấm vỗ mặt của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Trong khi một số nhà phân tích nhắc lại quan điểm của các quan chức Iran, đổ lỗi cho việc đấu đá phe phái, ông Zarif mỉm cười cảnh báo trên CNN rằng, "trong một vùng nước nhỏ như vậy, nếu bạn có quá nhiều tàu nước ngoài... tai nạn sẽ xảy ra", ám chỉ cách tiếp cận hai biện pháp song song của Iran là có chủ ý, phối hợp triển khai cả áp lực và thuyết phục hay vũ lực và ngoại giao cùng lúc để thúc đẩy các lợi ích quốc gia, đưa chế độ thoát khỏi vũng lầy ngày càng nguy hiểm.
Kế hoạch trò chơi này mang lại hiệu quả cao hơn bất kỳ giải pháp thay thế nào khác có sẵn cho Tehran hiện nay. Phần còn lại của thế giới đã chứng minh không muốn hoặc không thể phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như làm giảm nhẹ các tác động gây hại kinh tế của chúng đối với Iran. Ít nhất, việc diễu võ giương oai ở hành lang năng lượng quan trọng nhất thế giới có thể làm tăng giá dầu, cải thiện lợi nhuận đang suy giảm của Tehran và phức tạp hóa lời kêu gọi ủng hộ của ông Trump với cử tri trong nước khi ông bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử.
Căng thẳng leo thang có thể thổi bùng động lực ngoại giao từ châu Âu và các bên ký thỏa thuận hạt nhân khác. Đồng thời, hình ảnh của các tàu chở dầu đang bốc cháy mang tới một cảnh báo mạnh mẽ cho các nước láng giềng của Iran về hậu quả tiềm tàng của việc leo thang hơn nữa tình trạng xung đột. Các xích mích ngày càng lớn làm tăng tác động của cuộc khủng hoảng đối với phần còn lại của thế giới, trong khi việc Tehran dần từ bỏ tuân thủ các giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân tạo cho họ thêm cơ hội để mặc cả.
Mặc dù Tehran hiện đang thống trị nhịp độ và cường độ leo thang căng thẳng nhưng giới phân tích tin những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc phần lớn vào chính quyền ông Trump.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm từ lâu đã tỏ thái độ coi thường sự can thiệp tốn kém, kéo dài của quân đội Mỹ ở Trung Đông. Ông đã nhiều lần kêu gọi đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo Iran. Để đạt được điều đó, Washington sẽ phải sẵn sàng thỏa hiệp với chiến lược gây áp lực tối đa của họ. Tehran sẵn sàng để đàm phán nhưng dự kiến sẽ đòi hỏi giảm bớt một số biện pháp trừng phạt như điều kiện để bắt đầu thương lượng.
Về phần mình, ông Trump tỏ ra không nôn nóng, tuyên bố bản thân đang "không vội vàng" và khăng khăng sẽ "ngồi lại và quan sát". Iran khó có khả năng để lãnh đạo Nhà Trắng làm điều đó một cách thoải mái. Nước này đang nhất quyết thay đổi hiện trạng rất bất lợi cho họ. Bằng cách thổi bùng căng thẳng, người Iran rõ ràng đang hy vọng sẽ mở rộng khủng hoảng, buộc phải Mỹ phải đối thoại và hy vọng tìm được cách thoát khỏi tình cảnh ngày càng khốc liệt.
Tuấn Anh