Chia sẻ với PV VietNamNet về bất cập trong công tác quản lý xe kinh doanh vận tải, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT quốc gia cho rằng, trong 9 tháng đầu năm vẫn xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe kinh doanh vận tải hành khách dù đã giảm 31% so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo đó, đầu năm nay xảy ra một vụ tai nạn làm 10 người chết ở huyện Núi Thành, Quảng Nam. Gần đây xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng Nai làm 5 người chết và 4 người bị thương (tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra - PV). 

“Điều này cho thấy, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn một số điểm hết sức đáng lưu tâm", ông Hùng nói.

2023 09 3014 39 34 366.jpg
Xe Thành Bưởi gây ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng Nai vào rạng sáng 30/9 

Liên quan đến vi phạm của nhà xe Thành Bưởi, trong đó có việc bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế.

“Địa phương chưa thường xuyên rà soát thông tin ghi nhận trên hệ thống dữ liệu GSHT để chấn chỉnh thông qua công tác cấp phù hiệu, biển hiệu và thanh tra kiểm tra hàng năm.

Về phía doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí người trực, theo dõi, chấn chỉnh với lái xe vi phạm”, ông Quyền nói.

Cũng liên quan đến nội dung này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm hôm 10/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã yêu cầu các đại biểu thẳng thắn "mổ xẻ" các bất cập.

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Nai xảy ra vừa qua ngoài nguyên nhân do lỗi trực tiếp của tài xế, Bộ trưởng Thắng cũng thẳng thắn nêu ra trách nhiệm gián tiếp trong công tác quản lý nhà nước.

Ông cho biết, vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai cho thấy các bất cập, xe khách của công ty vi phạm với nhiều xe bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần. 

“Vậy việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không? Phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn kinh doanh trong lĩnh vực này vì quá coi thường pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật. 

Sớm “bịt lỗ hổng” 

Từ thực trạng đầu năm đến nay có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu cả trăm lần ( nhà xe Thành Bưởi 246 lần) ông Khuất Việt Hùng cho rằng “điều lạ ở đây” là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường.

“Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành có “lỗ hổng” về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, nếu chúng ta quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu 30 ngày thôi thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng. “Đấy là uy hiếp trực tiếp đến lợi ích kinh tế của chủ phương tiện. Rõ ràng, mục tiêu của chế tài đưa ra không phải để xử phạt mà là lời cảnh báo, răn đe để chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện có trách nhiệm hơn.

Chủ doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiêm các quy định về quản lý lái xe, quản lý phương tiện trong quá trình kinh doanh vận tải. Bởi không vi phạm, không tai nạn thì không bị tước phù hiệu.

khuat viet hung.jpg
Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng 

Đây là vấn đề chúng ta cần sớm hoàn thiện. Chúng ta phải 'vá trám' những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật hiện nay, thực hiện theo đúng tinh thần của Thủ tướng: sai đâu sửa đó, làm nhanh nhất có thể để chúng ta có thể hoàn thiện từng bước các quy định của pháp luật”, ông Khuất Việt Hùng thông tin.

Ông Hùng cho rằng, quan trọng nhất là ngăn ngừa để không xảy ra vi phạm, giảm thiểu vi phạm thì sẽ giảm thiểu tai nạn.

Theo ông Khuất Việt Hùng, tới đây cần hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phục vụ tốt công tác giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay. Mục đích, cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế.

“Cái này rất quan trọng và cần làm ngay để chúng ta ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm không để nó tiếp diễn, chứ không phải dùng công nghệ này chỉ để phục vụ trích xuất dữ liệu khi tai nạn đã xảy ra”,  ông Hùng nhấn mạnh.