- Việc nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương, đòi hỏi phải xử lý dứt điểm.

Chiều nay, UBTVQH thảo luận dự thảo quyết định của Thủ tướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ưu tiên hàng đầu là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư các ngành, lĩnh vực có dự án theo hình thức đối tác công tư, dự án sử dụng vốn ODA, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước, dự án khởi công mới... 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
 
Ưu tiên trả nợ cho con?

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến đều nói thứ tự ưu tiên này chưa thật hợp lý, đề nghị ưu tiên hàng đầu bố trí vốn xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước. 

“Vì nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện luật Đầu tư công và luật NSNN đòi hỏi phải xử lý dứt điểm nợ đọng này”, ông Hiển giải thích.  

Có ý kiến cũng đề nghị bổ sung vào thứ tự ưu tiên trước hết là việc hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách của quốc phòng an ninh, hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Kế đến là ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư PPP, dự án sử dụng vốn ODA. Ưu tiên thứ ba là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2014 và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang. Cuối cùng mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.

Đặt câu hỏi tình huống “con cái lấy tiền đi đánh bạc, đi nhậu để nợ nần cuối cùng mình phải trả nhưng có phải lần nào cũng ưu tiên trả không?”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ không có ưu tiên trả nợ. "Anh phải tự lo lấy, thậm chí cắt ngân sách để tự trả” - ông nói.

Chủ tịch QH cho rằng, vốn cho các dự án ODA phải được ưu tiên trước. Dự án PPP mới ở giai đoạn đàm phán muốn bố trí vốn ngân sách, hai bên cùng bỏ ra nhưng có bên không có tiền lại đi vay ngân hàng bù vào đấy, nếu có chuyện gì lại "chết một lần nữa". 

“Vốn PPP, BOT là nhà nước phải quản thật chặt, ngân hàng đổ vỡ thì sao, nhà nước phải gánh thêm”, Chủ tịch QH lưu ý.

Mỗi bộ dự phòng một cục ngân sách?

UB Tài chính Ngân sách đề nghị bỏ nguyên tắc bố trí vốn dự phòng ở cấp trung ương và các cấp chính quyền địa phương theo quy định tại nghị định của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Bởi lẽ theo quy định của luật NSNN, các bộ, ngành trung ương không được phép trích dự phòng.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý việc bố trí ngân sách dự phòng phải theo luật NSNN. 

“Nếu mỗi bộ, ngành đều làm một cục dự phòng thì gay. Có dự phòng thì dự phòng ngân sách chung của nhà nước, không để từng bộ, từng địa phương dự phòng”, ông Hùng nhắc nhở. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT giải thích quy định bố trí vốn dự phòng này không trái với luật NSNN. Vốn dự phòng này dùng để bố trí cho các dự án khẩn cấp, để xử lí trượt giá khi hết dự phòng và xử lí vấn đề khác khi cần với tỉ lệ dự phòng 10% trên tổng vốn đầu tư. 

Chủ tịch QH hỏi: “Tức dự phòng kế hoạch chung chứ không phải dự phòng ngân sách cho từng bộ ngành, địa phương có đúng không?”. 

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách nói nếu đúng là dự phòng chung cho toàn quốc thì đồng ý, còn dự phòng từng bộ ngành không đồng ý. 

“10% cũng được nhưng phải là dự phòng chung toàn quốc”, ông Hiển nói.

Thu Hằng

Nhiều lái xe bỗng thành phó chánh văn phòng huyện