Nếu Ukraina quay lưng với EU thì cố vấn kinh tế điện Kremlin Serguei Glaziev thông báo là Kiev sẽ nhận được hàng loạt hợp đồng với trị giá hàng chục tỷ đô-la Mỹ.

>> Tổng thống Putin thăm VN: Đâu là trọng tâm?

>> Tín hiệu tốt từ chuyến thăm VN của tổng thống Nga

>> Nga tăng tốc giấc mơ tàu sân bay

Chạy đua lôi kéo Ukraina

Nga đã chạy đua với Liên minh châu Âu (EU) để lôi kéo Ukraina vào mô hình hội nhập kinh tế của mình. Và Nga đã thắng thế khi Ukraina tuyên bố ngừng đàm phán thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với EU ngay trước thềm tại hội nghị Đối tác hướng Đông của EU tại Litva tổ chức vào ngày 28-29 tháng 11.

Với vị trí địa lý chiến lược tại khu vực Đông Âu và Tây Âu giao nhau, Ukraina từ lâu đã trở thành mục tiêu mà Nga muốn giữ dưới vòng kiểm soát. Bởi vì một Ukraina xích lại gần EU sẽ đe dọa tầm ảnh hưởng của Kremlin với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

{keywords}

TT Yanukovych (trái) và TT Putin trong một cuộc gặp tại Moskva tháng 10/2012

Nga hiện đang thúc đẩy mở rộng Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan và hình thành khu vực Không gian Á - Âu vào năm 2015 bằng cách thúc đẩy đàm phán với các nước SNG, trong đó có Ukraina.

Việc Ukraina tuyên bố ngừng đàm phán hiệp định thương mại với EU có thể được giải thích bởi hai lý do đến từ yêu cầu dân chủ của châu Âu và sức ép từ Nga.

Để có thể ký kết một thỏa thuận với EU, chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych phải trả tự do cho cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và cho phép nhà lãnh đạo đối lập này được tới Đức chữa trị bệnh. Tưởng chừng đây là một điều kiện dân chủ thông thường, song thực chất lại mang nhiều yếu tố tâm lý đối với Tổng thống đương nhiệm của Ukraina.

Trong cuộc Cách mạng Cam tại Ukraina năm 2004, bà Tymoshenko chính là người đứng đầu. Cuộc cách mạng này đã dẫn đến việc tòa án bác bỏ thắng lợi của ông Yanukovych trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004. Kể từ đó, quan hệ giữa Tổng thống Yanukovych và nhà lãnh đạo đối lập Tymoshenko luôn căng thẳng.

Chấp nhận tuyệt đối yêu cầu của EU dường như là không thể. Bằng chứng là Tổng thống Yanukovych chỉ nhượng bộ cho bà Tymoshenko sang Đức chữa trị với điều kiện sau đó phải quay lại Ukraina tiếp tục chịu án phạt.

Về mặt sức ép của Nga, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski cho rằng Nga đã tạo ra những áp lực quá sức chịu đựng của Kiev. Nga đã từng đe dọa một hiệp định thương mại giữa Ukraina - EU sẽ làm hoạt động thương mại giữa Ukraina và Nga ngưng trệ.

Trong khi đó, nếu Ukraina quay lưng với EU thì cố vấn kinh tế điện Kremlin Serguei Glaziev thông báo là Kiev sẽ nhận được hàng loạt hợp đồng với trị giá hàng chục tỷ đô-la Mỹ. Đồng thời, Nga cũng sẽ có động thái giãn các khoản nợ khí đốt, cũng như hứa hẹn sẽ giảm giá năng lượng cho Ukraina.

Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Ukraina Louri Borko, EU lại không có bất kỳ đảm bảo nào cho Ukraina trong trường hợp quan hệ với Nga xấu đi. Như vậy, với tình hình ngân quỹ Ukraina đang trống rỗng, những lời nói của Moskva rõ ràng có tính chất hứa hẹn hơn rất nhiều so với một tương lai chưa rõ ràng với EU.

Sau quyết định xích lại gần hơn với Nga, chính quyền của Tổng thống Yanukovych sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Thứ nhất là phản ứng của người dân trong nước. Theo một khảo sát của Nhóm Đánh giá xã hội học (Rating Sociological Group) thực hiện vào đầu tháng 10 vừa qua, có 53% người dân Ukraina ủng hộ gia nhập EU, trong khi chỉ có 35% phản đối.

Hay một khảo sát mới đây, công bố ngày 20/11 cho biết có 50% người dân Ukraina muốn có một hiệp định với EU, và 48% ủng hộ hội nhập với Nga. Cả hai bản khảo sát đều cho thấy có ít nhất một nửa dân số Ukraina không đồng tình với quyết định xích lại gần Nga của chính phủ. Điều này được thể hiện qua hàng loạt các cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Kiev trong những ngày gần đây.

Làn sóng biểu tình của người dân sẽ chỉ mới là khó khăn trước mắt, về lâu dài giải quyết vấn đề đất nước bị chia rẽ giữa một miền Nam và Đông thân Nga với một miền Tây độc lập hơn muốn xích lại gần EU sẽ vô cùng bức thiết.

Khó khăn thứ hai cần giải quyết đó là cải thiện tình hình kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế Ukraina đang đối mặt với suy thoái, thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai lên đến 5,5% GDP và mức tín dụng quốc tế bị đánh giá có mức rủi ro cao.

Liệu xích lại gần Nga có giúp Tổng thống Yanukovych giải quyết các vấn đề trên trước kỳ bầu cử năm 2015, và tránh cho Ukraina một cuộc Cách mạng mầu khác là điều cần thời gian mới có thể trả lời.

Bùi Quốc Khánh (Irys)

Sức hút năng lượng Nga

Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam và Hàn Quốc tháng 11 vừa qua, Nga đã ký kết với hai nước châu Á hàng loạt các văn kiện trong đó có những thỏa thuận quan trọng về năng lượng.

Vào cuối năm 2009, chính quyền Moskva đã ban hành "Bản chiến lược năng lượng Nga đến 2030", có bổ sung, chỉnh lý dựa trên bản chiến lược đến 2020 được ban hành trước đó. Theo bản chiến lược này, một nội dung quan trọng mà Nga sẽ chú ý tới đó là đa dạng các đối tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trọng tâm.

Trong khi, hợp tác năng lượng sẽ là trọng tâm của quan hệ Việt - Nga, thì thúc đẩy xây dựng đường ống dẫn dầu từ Siberia qua bán đảo Triều Tiên là vấn đề mà Nga và Hàn Quốc quan tâm.

Ngoài yếu tố tăng giá trị xuất khẩu năng lượng, theo Yang Cheng - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga tại Đại học Đông Trung tại Thượng Hải, Nga hướng Đông còn là nhằm duy trì vị thế là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

"Bởi vì nguồn tài nguyên ở phía Tây nước Nga gần như đã cạn kiệt nên Nga cần chuyến sang khai thác vùng Viễn Đông và một mối quan hệ tốt với châu Á - Thái Bình Dương sẽ hỗ trợ sự phát triển vùng này".

Hướng thị trường xuất khẩu năng lượng sang châu Á - Thái Bình Dương là một nước đi đúng đắn của Mokva, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng cho quá trình phát triển năng động của khu vực này sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Nga cũng sẽ đối mặt với những khó khăn chính sách nhất định trong việc thiết lập các cơ sở hạ tầng phục vụ việc vận chuyển dầu khí, cũng như xây dựng các hợp đồng có giá trị cao. Do đó, duy trì một sự tập trung cao về chính sách mới có thể giúp Moskva hiện thực hóa kế hoạch thâm nhập thị trường năng lượng tại châu Á.