Tại phiên khai mạc chuyển đổi số y tế quốc gia sáng 29/12, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, y tế là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất.
Những năm qua, ngành y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động, phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, đặc biệt trong năm 2020, công nghệ đã đóng góp rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch Covid-19.
Hiện tại, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, toàn bộ hoạt động quản lý văn bản điều hành được thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.
Mới đây, Bộ tiếp tục khai trương Cổng công khai y tế, giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… Sắp tới, sẽ tiếp tục công khai giá trúng thầu các gói thiết bị.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thông qua Cổng công khai y tế, người dân được biết và giám sát các dịch vụ ngành y tế cung cấp, bệnh viện có cơ sở lập dự toán, đảm bảo công khai, minh bạch trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị.
Trong bệnh viện, 100% cơ sở y tế trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Nhiều bệnh viện triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô bốt trong phẫu thuật, cảnh báo tương tác thuốc, nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện, triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt...
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Y tế nhanh chóng triển khai khám chữa bệnh từ xa, đến nay đã có trên 1.300 bệnh viện tham gia vào hệ thống Telehealth.
Ngoài ra, Bộ Y tế tập trung xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử. Bước đầu các tỉnh Phú Thọ, Bình Dương… đã triển quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc vào hoạt động.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% cơ sở y tế thanh toán không dùng tiền mặt, 100% thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, 100% người dân được định danh y tế, 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử, 15% trên tổng số bệnh viện (210 bệnh viện) chuyển đổi số thành công…
Khi chuyển đổi số toàn diện ngành y tế, mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng với một hồ sơ sức khoẻ riêng được cập nhật liên tục, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người như bác sĩ riêng.
Song song đó sẽ có các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.
Thứ trưởng Y tế cũng đề nghị phát triển hệ chuyên gia trong lĩnh vực y tế, cho phép người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng ban đầu vào ứng dụng, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho người dân. Triển khai tích hợp các ứng dụng có thể tự theo dõi, phát hiện ra tình trạng sức khỏe của người dân với các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động)…
Ngoài ra, cần xây dựng cổng sức khỏe người dân, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình. Phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử và có các ứng dụng cung cấp kiến thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Thúy Hạnh
Hết cảnh xếp hàng, 100% bệnh viện sẽ đặt lịch khám qua mạng
Khi triển khai chuyển đổi số, 100% cơ sở khám chữa bệnh sẽ đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.