Tại buổi họp báo chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia sáng 24/12, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, y tế là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Theo ông Tường, chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D…

Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, khám chữa bệnh… Kết quả ban đầu, 100% bệnh viện trên toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, trong đó Quảng Ninh có tới 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản nhi), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Đa khoa khu vực An Giang…

{keywords}

PGS.TS Trần Quý Tường trả lời các câu hỏi của báo chí 

“Mỗi năm, mỗi bệnh viện mất vài tỷ đồng để in bệnh án giấy, có bệnh viện trong TP.HCM còn phải thuê kho chứa ở nơi khác, chở bệnh án đến để bảo quản, lưu giữ, hết sức tốn kém”, ông Tường dẫn chứng.

Tại Bệnh viện Đa khoa An Giang, họp giao ban trên điện tử, mọi số liệu về số lượng bệnh nhân biến động trong ngày, đơn thuốc, thu chi… đều hiển thị đầy đủ nên lãnh đạo có thể can thiệp, điều chỉnh ngay hành vi của bác sĩ nếu có tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định xét nghiệm quá mức…

Ngoài ra, 23 bệnh viện đã dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Nếu tất cả các bệnh viện đều chuyển dùng PACS, mỗi năm có thể tiết kiệm 4.000 tỷ đồng, là chi phí dành để mua phim in hàng năm.

Một số bệnh viện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hiện đã sử dụng mạng xã hội để tương tác với bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum; 1.300 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh từ xa Telehealth…

Đặc biệt, công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam với hàng loạt ứng dụng như khai báo y tế điện tử (NCOVI), ứng dụng truy vết Bluezone với 23 triệu người dùng, an toàn Covid-19…

Tuy nhiên ông Tường nhìn nhận, tốc độ chuyển đổi số trong ngành y tế vẫn còn chậm, chưa được như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân lớn nhất do phải đầu tư tài chính lớn.

Theo tính toán, nếu một bệnh viện lớn đầu tư chuyển đổi số bài bản từ đầu có thể mất 160 tỷ đồng, mức thấp khoảng 20-30 tỷ đồng.

“Dù lợi rất lớn nhưng nhiều cơ y tế không đánh giá được, không sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn ban đầu. Chúng tôi tính toán mỗi bệnh viện chỉ cần bỏ ra 0,6-3% tổng doanh thu để đầu tư chuyển đổi số. Đây là con số có thể chấp nhận được”, ông Tường nói.

Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.

Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.

Thúy Hạnh

2020: Năm của chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia

2020: Năm của chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia

Không chỉ còn là chiến lược, chuyển đổi số đã lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội Việt Nam.