Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), móng giò là phần thịt lợn nhiều người không thích nhưng sử dụng đúng và đủ sẽ thu được giá trị tốt cho sức khỏe. Móng giò còn được coi là vị thuốc quý dành cho sức khỏe, bồi bổ khí huyết.

Trong móng giò có protein, canxi, sắt, vitamin A, B, C… là các chất có lợi cho cơ thể giúp hồi phục sức khỏe, thúc đẩy trao đổi chất và phục hồi sinh lý của tế bào. Đặc biệt, móng giò là món ăn cho người mới phẫu thuật và phụ nữ sau sinh.

Lương y Sáng cho biết, y học cổ truyền coi móng giò là vị thuốc có vị ngọt, mặn, tính bình, tác dụng bổ huyết, thống nhũ, sinh cơ liền sẹo, thường dùng cho các trường hợp huyết hư, suy nhược, sản phụ ít sữa, an thần. 

mong gio.png
Móng giò có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Ảnh: Tô Hưng Giang

Từ xa xưa, người dân dùng móng giò cho các trường hợp phụ nữ sau sinh, người ốm. Người nội trợ có thể tham khảo các công thức dưới đây để tận dụng ưu điểm của loại thực phẩm này: 

Bài 1: Móng giò lợn, hoàng kỳ (20g), đương quy (10g), xuyên sơn giáp (8g), thông thảo (6g). Sắc kỹ hoàng kỳ, đương quy, xuyên sơn giáp và thông thảo lấy nước bỏ bã rồi cho móng giò vào hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Món ăn thích hợp cho phụ nữ sau khi sinh con thiếu sữa, sữa loãng, thiếu máu, da khô, chán ăn, đại tiện lỏng. 

Bài 2: Móng giò lợn, củ niễng non (100g), gia vị vừa đủ. Móng giò lợn làm sạch, chặt miếng rồi hầm với củ niễng đã thái mỏng cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng thích hợp cho phụ nữ sau sinh, sữa không thông, bầu vú căng hoặc đau tức, ngực sườn đầy trướng, không muốn ăn, tinh thần căng thẳng, khó chịu.

Bài 3: Móng giò, tim lợn (1 quả), địa du tươi (30g). Móng giò làm sạch, chặt miếng, chần qua nước sôi; tim lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả đem hầm thật nhừ trong lửa nhỏ, cho đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng gồm bổ khí, dưỡng huyết, an thần, dùng tốt cho bệnh nhân bị động kinh, dưỡng huyết, an thần.

Bài 4: Móng giò lợn, lạc nhân (100g), đại táo (10 quả). Móng giò lợn làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm nhừ cùng với lạc nhân, đại táo chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng bổ khí ích huyết, hoạt huyết, phòng ngừa và chữa trị bệnh thiếu dinh dưỡng của da, phòng chống nếp nhăn trên da mặt.

Bài 5: Móng giò lợn, hoa atiso (2 cái). Móng giò lợn làm sạch, chặt miếng. Hoa atiso (chọn loại bánh tẻ, chưa nở bung), rửa sạch, loại bỏ hết phần nhụy, chẻ làm tư. Cho móng giò vào nồi hầm nhừ, sau đó cho hoa atiso vào hầm chung đến khi hoa chín là được, nêm gia vị, ăn nóng. Công dụng giải nhiệt, lợi gan mật, nhuận trường, thông tiểu, kích thích tiêu hóa.

Móng giò tốt nhưng nếu ăn quá nhiều, lượng chất béo trong chân giò, móng giò sẽ cản trở quá trình tiêu hóa gây đầy bụng, khó tiêu. Đồng thời, chất béo này cũng không tốt cho người có dấu hiệu cholesterol tăng cao.