Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch tả lợn châu Phi đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành của nước ta, buộc phải tiêu hủy trên 5,6 triệu con lợn, sản lượng thịt cung ứng ra thị trường theo đó cũng giảm 8,3%.

Tại Hưng Yên - điểm nóng của dịch tả lợn châu Phi và cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát hiện dịch bệnh - đã phải tiêu hủy gần 200.000 con lợn, chiếm tỷ lệ 30% tổng đàn. Dịch bệnh đã lây lan xã khắp 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện của tỉnh này.

Có thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, người chăn nuôi đua nhau bán chạy lợn sau đó quyết định treo chuồng trại, không dám tái đàn.

Song, giữa lúc dịch bệnh hoành hành, vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) làm quyết định cú liều, mua 400 con lợn về nuôi.

Nói liều là đúng bởi tại địa phương này thời điểm đó các hộ chăn nuôi đều bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, buộc phải tiêu hủy đàn lợn, gây thiệt hại lớn. Vào đàn lúc bấy giờ ngang với đánh bạc, may rủi 50:50.

{keywords}
Giá lợn tăng cao, người chăn nuôi đang hy vọng thu được khoản lãi kha khá để bù đắp lại khoản lỗ khi phải chịu bán giá lợn thấp suốt thời gian qua

Tuy nhiên, trước khi tái đàn, vợ chồng chị Duyên đã tìm hiểu rất kỹ cách phòng chống dịch, tìm mua bằng được nguồn giống lợn sạch, rõ nguồn gốc.

Thay vì nuôi theo phương thức truyền thống như nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã, vợ chồng chị chọn chăn nuôi an toàn sinh học, tự sản xuất thức ăn chăn sạch. Anh chị phun thuốc sát trùng chuồng trại hàng ngày, rắc vôi bột khử trùng liên tục. Đặc biệt, người ngoài tuyệt đối không được ra vào trại. Còn gia đình chị cũng hạn chế tối đa việc đi ra khỏi trang trại nhằm đảm bảo an toàn, tránh mầm bệnh xâm nhập.

Chị Duyên khoe, dịp này giá lợn tăng mạnh, ở địa phương chị thương lái đi lùng mua lợn hơi xuất chuồng với giá 63.000 đồng/kg. Đàn lợn 400 con gia đình chị nuôi đang có biểu cân 120-130 kg/con, chuẩn bị xuất chuồng trong một hai ngày tới.

“Với giá thành như hiện tại, nếu xuất bán đi mỗi con lợn vợ chồng tôi thu lãi khoảng gần 4 triệu đồng. Tức bán hết đàn lợn này thì lãi khoảng 1,5 tỷ đồng”, chị tiết lộ.

Theo chị Duyên, năm nay dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhưng vợ chồng chị lại khá may mắn. Hồi giữa năm xuất bán một lứa giá cũng trên 40.000 đồng/kg, không bị lỗ, thậm chí có chút công. Đợt này giá tăng cao, tiền lãi thu được nhiều hơn.

Bà Nguyễn Kim Ánh ở thôn Bãi Sậy 2, xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) - chủ một trang trại lợn 4.000 con - thừa nhận, lợn hơi xuất chuồng thời điểm này đang được giá 62.000-63.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi xuất lợn người chăn nuôi sẽ thu nhập khá được khá lớn.

Như gia đình bà, cách đây mấy hôm cũng xuất bán được một lứa lợn với giá cao, thu lãi lớn, nhưng khoản tiền lãi này vẫn chưa thể bù hết được khoản lỗ khi phải bán lợn ở thời điểm giá thấp.

“Trước đó, gia đình tôi phải bán 1.000 con chạy dịch với giá chỉ 23.000-24.000 đồng/kg nên mức giá như hiện nay phải kéo dài khoảng 1 năm thì người chăn nuôi mới vực dậy được", bà cho hay.

Theo ghi nhận của PV. VietNamNet, sau một thời gian tăng phi mã, giá lợn hơi xuất chuồng đang ổn định ở mức 58.000-63.000 đồng/kg.

Với mức giá trên, người chăn nuôi đã thu lãi vài triệu đồng khi xuất chuồng 1 con lợn. Tuy nhiên, khoản lãi này vẫn chưa thể bù đắp lại khoản lỗ kéo dài suốt hơn nửa năm vừa qua khi giá lợn chìm sâu dưới đáy. Đặc biệt, dịp này cũng rất ít người còn giữ được đàn lợn, đa số chuồng trại đều đã trống không từ lâu.

Nói về việc giá thịt tăng, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT, thừa nhận đúng là giá thịt lợn tăng cao, song chúng ta cũng nên chia sẻ bớt gánh nặng cho người chăn nuôi, bởi họ đã vất vả suốt thời gian qua, giờ là lúc để vực dậy.

Tâm An