Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng để thích nghi nhanh với những thay đổi của nền sản xuất. Trong bối cảnh đó, lợi thế cạnh tranh của nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn.
Từ "kỳ tích sông Hàn" đến "kỳ tích sông Hồng"
Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra trong hai ngày 14 và 15/12 có chủ đề từ "Kỳ tích sông Hàn" đến "Kỳ tích sông Hồng".
Các đại biểu tham dự diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 Việt Nam - Hàn Quốc |
Trong bài trình bày đầu tiên tại diễn đàn, ông Jaime Saavedra, Giám đốc cấp cao về giáo dục của Ngân hàng thế giới, cho biết cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cuộc đua mới giữa giáo dục và công nghệ, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng mới.
Theo ông Jaime Saavedra, các kỹ năng này bao gồm kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng nhận thức cơ bản, và quan trọng nhất là kỹ năng tự học.
Nói đến kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Jaime Saavedra cho hay đất nước này đã xây dựng được những kỹ năng đó bằng cách đầu tư vào giáo dục cơ bản cách đây nhiều năm.
"Năm 1962, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ bằng các nước cận Sahara, nhưng sau đó Hàn Quốc đã vượt lên rất nhanh. Nguyên nhân chính là nhờ Hàn Quốc đã đầu tư vào giáo dục" - ông Jaime Saavedra nói.
Ông Yoon Dae-Hee, nguyên Bộ trưởng Điều phối chính sách Hàn Quốc, chia sẻ nhân tố chính tạo nên "Kỳ tích sông Hàn" của Hàn Quốc chính là chính sách đầu tư cho nguồn nhân lực.
Tùy giai đoạn, chính sách công nghiệp thay đổi thì chính sách giáo dục cũng thay đổi theo. Chẳng hạn vào thập niên 60, Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu công nghiệp nhẹ thì nhân lực chủ yếu là có trình độ thấp, thu nhập thấp.
Đến thập niên 70, khi Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp nặng thì yêu cầu nguồn nhân lực trình độ cao hơn. Lúc này, Hàn Quốc thiết lập quan điểm "giáo dục lập quốc", chuyển từ học tập sang nghiên cứu với việc thành lập nhiều viện nghiên cứu quan trọng, đồng thời mở rộng chính sách để tư nhân đầu tư cho giáo dục và từng bước có những giải pháp đặc thù để thúc đẩy các ngành kinh tế.
Từ đó, ông Yoon Dae-Hee gợi ý "Việt Nam cần có sự chuyển đổi trong đào tạo để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Cụ thể, khi xác định ngành kinh tế trọng tâm thì cần có kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp. Trong đó, mỗi một ngành nghề cần những chiến lược đào tạo mang tính đặc thù”.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng đây là cơ hội tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm đầu tư cho nguồn nhân lực của Hàn Quốc.
“Chúng tôi luôn coi trọng vai trò và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực và đang nỗ lực chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây” – ông Nhạ nói.
Một người Singapore có năng suất hơn 20 người Việt Nam
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cũng đã nêu ra những bất cập trong thực trạng bức tranh đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay từ góc nhìn của doanh nghiệp.
Theo ông Phòng, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016 xếp Việt Nam ở thứ 56/140 quốc gia và nền kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ số cấu phần liên quan tới đổi mới sáng tạo thì thấp hơn nhiều.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 Việt Nam - Hàn Quốc |
Cụ thể, năng lực hấp thụ công nghệ của Việt Nam chỉ xếp thứ 121, mức độ phức tạp của quy trình sản xuất xếp 101, chất lượng của tổ chức nghiên cứu khoa học xếp số 95/140, giáo dục đào tạo cấp sau phổ thông cũng xếp số 95/140.
Còn theo số liệu từ nguồn thống kê của Tổng cục thống kê thì năng suất lao động của người Việt Nam hiện thực hóa theo giá thành là 3.360 đô la/người/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore và 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.
"Nói cách khác, 1 người Singapore có năng suất bằng trên 20 người, 1 người Malaysia bằng gần 6 người VN và 1 người Thái Lan gần bằng 3 người Việt Nam, 1 người Philipines và Indonesia cũng bằng 2 người Việt Nam" - ông Phòng so sánh.
Bên cạnh đó, "lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm hiệu quả, cùng với đó là nhân sự cấp cao VN so với các nước trên thế giới còn khoảng cách khá lớn" - ông Phòng nói thêm.
Theo ông Phòng, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do chúng ta chưa dự báo tốt nguồn nhân lực sát với thị trường lao động và có tính đến xu hướng phát triển nền kinh tế.
Việc đào tạo đại học chưa thực sự gắn với nhu cầu của đất nước. Việc lựa chọn nghề nghiệp, theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan. Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa rõ. Vì thế, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề và tuyển dụng.
Từ đó, ông Phòng cho rằng, trước cuộc cách mạng 4.0, thị trường lao động đang bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng nguồn cung và nhu cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Người lao động sẽ phải thích ứng với sự thay đổi của nền sản xuất nếu không sẽ thất nghiệp.
Nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey thì dự báo 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hoá trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
"Ưu thế của nền lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp của Việt Nam không còn là thế mạnh nữa. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, có đến 86% lao động cho các ngành dệt may và giầy dép Việt Nam có nguy cơ cao mất việc khi chúng ta tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0".
Để giải quyết những thách thức này, ông Phòng đề xuất Đảng và Nhà nước cần đầu tư xứng tầm và có chiều sâu để các trường đại học trọng điểm đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận với các nước tiên tiến. Các trường đại học nên tiên phong trong công tác khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ - tri thức và cũng là nơi ươm mầm tài năng của đất nước.
Ông Phòng cũng cho rằng cần chuyển đổi sang đào tạo “những gì thị trường cần” và “những gì thị trường sẽ cần” thay vì mô hình đào tạo không gắn nhiều với thị trường như hiện nay.
Hà Phương
GS Ngô Bảo Châu nghiên cứu chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam
Tại Diễn đàn nguồn nhân lực toàn cầu 2017, GS Ngô Bảo Châu đã giới thiệu những nét cơ bản về nghiên cứu chiến lược và lộ trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2020-2035 do Bộ GD-ĐT khởi xướng thực hiện.