Huawei vừa trải qua một tuần lễ tồi tệ, khi liên tiếp đối mặt với những cuộc "chia tay" đến từ phía các đối tác lớn. Cứ mỗi ngày trôi qua, các sản phẩm, dịch vụ của Huawei lại có nguy cơ mất đi một phần quan trọng.
Chuỗi khủng hoảng dây chuyền này bắt nguồn từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh đưa Huawei vào "danh sách đen" hôm 15/5. Tuân theo lệnh cấm này, các công ty ở Mỹ không được phép trao đổi mua bán công nghệ với Huawei.
Thế giới ngay sau đó đã được chứng kiến bài học đau thương mà một công ty công nghệ nhận được khi không tuân thủ luật chơi của Mỹ.
Huawei trải qua một tuần chết chóc với sự rời đi của nhiều đối tác quan trọng. Ảnh: Reuters. |
Google tuyên bố "nghỉ chơi", tước giấy phép Android và hơn thế nữa
Hôm 20/5, Reuters đưa tin Google chính thức đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Các thiết bị mới của Huawei sẽ không được quyền sử dụng Android bản chính thức.
Trong tương lai, các smartphone của Huawei sẽ không còn được hỗ trợ Android nữa. Ảnh: The Verge. |
Qua đó, những thiết bị mới của Huawei sẽ không còn được hỗ trợ bởi phiên bản Android đầy đủ. Nếu Huawei sử dụng phiên bản Android mã nguồn mở thì cũng bị cấm truy cập vào Google tìm kiếm, Maps, Gmail, YouTube...
Đây là đòn đau điếng đối với gã khổng lồ công nghệ mới nổi của Trung Quốc. Mặc dù thị trường Trung Quốc sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng đối với lệnh cấm truy cập các sản phẩm của Google, nhưng thị trường quốc tế có thể sẽ xa lánh các sản phẩm của Huawei nếu nó bị tước quyền truy cập các ứng dụng quan trọng.
Intel, Qualcomm đồng loạt quay lưng
Cũng trong 20/5, Bloomberg cho biết các công ty sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng ra thông báo nội bộ với nội dung tạm thời không bán linh kiện cho Huawei nữa.
Intel hiện là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei. Qualcomm bán cho công ty Trung Quốc các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu smartphone. Xilinx cung cấp chip lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông, còn Broadcom cung cấp chip chuyển mạch.
Sau cuộc chia tay với nhà cung cấp phần mềm Google, Huawei lại phải đối mặt với sự rời đi của các nhà cung cấp phần cứng khác. Ảnh: Huawei. |
Các nguồn tin cho biết Huawei đã chuẩn bị cho một lệnh cấm từ giữa năm 2018, đồng thời đẩy mạnh phát triển và thiết kế chip của riêng mình. Mặc dù Huawei cho biết họ đã mua đủ số chip và các linh kiện quan trọng để duy trì hoạt động ít nhất 3 tháng, tương lai vẫn còn là một ẩn số.
“Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện bán dẫn của Mỹ và chắc chắn sẽ gặp khó khi bị cắt nguồn cung. Lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến việc triển khai mạng 5G của Trung Quốc bị chậm lại”, một nhà phân tích nói với Bloomberg.
"Lệnh cấm vận" vươn ra ngoài biên giới Mỹ
Cũng trong 20/5, Nikkei Asian Review đưa tin công ty sản xuất chip Infineon Technologies của Đức ngưng giao các lô hàng đến Huawei. Infineon cung cấp một số linh kiện quan trọng cho Huawei, bao gồm vi điều khiển và mạch tích hợp quản lý năng lượng.
Ngoài ra, các công ty khác ở châu Âu và châu Á cũng có thể đưa ra động thái tương tự nhằm tránh bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”. Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách cấm vận của chính quyền Donald Trump đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ.
Infineon quyết định dừng cung cấp chip cho Huawei. Ảnh: AP. |
ST Microelectronics - nhà sản xuất chip có trụ sở tại châu Âu - dự kiến sẽ họp lại để xem xét các đơn đặt hàng của Huawei, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review.
Đối tác quan trọng của Huawei tại châu Á là TSMC cũng "đang đánh giá các tác động có thể xảy ra". Một số nhà cung cấp lớn như Toshiba Memory, liên doanh sản xuất màn hình Japan Display Inc cũng thận trọng trước tình hình này.
Nhà mạng Nhật xem xét dừng bán điện thoại Huawei
Hai ngày sau một chuỗi các sự kiện đau thương bắt nguồn từ nước Mỹ, Huawei lại đón nhận tin dữ từ người hàng xóm.
NTT Docomo, nhà mạng lớn nhất tại Nhật Bản, cho biết họ đang xem xét tạm dừng việc bán các sản phẩm mới của Huawei. Đối thủ của họ là KDDI cũng thông báo sẽ trì hoãn vô thời hạn việc ra mắt điện thoại Huawei P30. YMobile, thương hiệu con của SoftBank, cũng công bố động thái tương tự.
Các nhà phân phối ở ngoài biên giới Trung Quốc bắt đầu tỏ ra lo ngại sau động thái của Google. Nếu Huawei chưa thể đảm bảo sẽ cung cấp được cho người dùng các dịch vụ mà họ cần, thì cũng chưa thể đảm bảo được doanh thu cho các đối tác của mình.
Microsoft ngừng bán laptop Huawei, chặn Windows
Cũng trong 22/5, The Verge đưa tin MateBook X Pro đã bị Microsoft gỡ khỏi các trang bán hàng trực tuyến của công ty này. Trên Microsoft Store, người dùng không thể tìm thấy bất kỳ sản phẩm nào của Huawei nữa.
Đến 24/5, Microsoft tuyên bố loại Huawei khỏi danh sách đơn vị cung cấp máy chủ và thiết bị cho dịch vụ đám mây Azure Stack.
Liền sau đó, Microsoft tiến thêm một bước dài trong quá trình "cấm vận" Huawei với việc không nhận mới đơn hàng mua Windows.
ARM đã tung đòn chí mạng đối với ngành sản xuất smartphone của Huawei. Ảnh: Android Authority. |
Đòn chí mạng đến từ ARM
"ARM là công ty công nghệ Anh thành công nhất mà bạn chưa bao giờ nghe tên" là lời nhận xét của báo The Guardian dành cho công ty "nhỏ nhưng có võ" này.
Nắm giữ trong tay những bản thiết kế chip cũng như các nguyên tắc giao thức của vi xử lý, ARM kiếm tiền bằng cách kinh doanh bản quyền.
Các công ty như Apple, Qualcomm hay Samsung đều dùng quyền thiết kế và sử dụng công nghệ của ARM cấp cho để tạo ra vi xử lý cho riêng mình. Vi xử lý của Apple hiện tại có tên A-Series. Qualcomm có dòng Snapdragon, Samsung có Exynos và Huawei có Kirin. Nhưng những cái tên rất đa dạng này thực chất đều sử dụng chung thiết kế của một hãng duy nhất: ARM.
Điều này có nghĩa là trong tương lai, Huawei sẽ phải tạo ra một loại chip mới có thiết kế và sử dụng các giao thức không vi phạm bản quyền ARM. Bên cạnh đó, các con chip này còn phải nhanh và đảm bảo được hiệu năng để cạnh tranh.
Điều này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và dường như là bất khả thi ở thời điểm hiện tại. Cho nên, có thể nói động thái của ARM chính là cú "knock-out" đối với Huawei.
Nhà mạng châu Âu bắt đầu xa lánh
Hôm 22/5, hai nhà mạng lớn hàng đầu châu Âu là EE và Vodafone thông báo sẽ tạm ngưng cấp phép cho điện thoại của Huawei dùng mạng 5G của mình.
Cả hai nhà mạng này đã lên kế hoạch ra mắt mạng 5G đi cùng Huawei Mate 20X 5G, điện thoại thông minh có khả năng kết nối 5G đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, sau những động thái từ phía Mỹ, người phát ngôn của Vodafone cho biết "điện thoại 5G của Huawei vẫn chưa nhận được các chứng nhận cần thiết".
Huawei Mate X20 5G đã bị tạm ngưng cấp phép truy cập 5G ở châu Âu. Ảnh: Huawei. |
Mặc dù Huawei chưa bao giờ được phép ra mắt các thiết bị của mình ở Mỹ, nhưng lại rất thành công ở châu Âu. Trong quý đầu tiên của năm 2019, Huawei đã xuất xưởng hơn 59 triệu điện thoại thông minh, khoảng một nửa trong số này sẽ tới châu Âu. Con số này tương đương 1/4 thị trường châu Âu.
Và điều này không còn kéo dài lâu nữa.
Toshiba tạm ngưng hợp tác, Google gỡ tên Huawei khỏi nhiều website quan trọng
23/5, Nikkei Asia Review đưa tin Toshiba đã ngừng cung cấp các thiết bị điện tử cho Huawei để kiểm tra lại các sản phẩm bán cho Huawei có sử dụng linh kiện hay công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ hay không.
Trước đó, Toshiba là nhà cung cấp ổ đĩa cứng, các linh kiện bán dẫn và hệ thống xử lý dữ liệu tốc độ cao LSI cho Huawei.
24/5, chỉ vài ngày sau khi đưa ra quyết định ngừng cấp phép hệ điều hành Android cho Huawei, Google đã xóa các mẫu máy Huawei khỏi trang web giới thiệu smartphone Android.
Cụ thể, Google xóa Huawei Mate 20 Pro khỏi danh sách các thiết bị được cập nhật Android Q bản thử nghiệm, Mate X khỏi danh mục các máy Android có mạng 5G và P30 Pro khỏi những máy có camera tốt nhất.
Bên cạnh đó, các smartphone của Huawei cũng không còn được Google cấp chứng nhận Android Enterprise Recommended - chứng nhận dành cho những thiết bị đáng tin cậy dùng trong doanh nghiệp.
Các sản phẩm mới của Huawei có thể sẽ thiếu đi rất nhiều thứ. Ảnh: Kyodo. |
Bị hiệp hội thẻ nhớ SD và liên minh phát triển Wi-Fi gạch tên
Trong tương lai, các sản phẩm của Huawei sẽ không còn được phép sử dụng thẻ nhớ định dạng SD nữa. Công ty này đã bị gạch tên khỏi website của SD Association vào hôm 24/5.
SD Association thành lập ngày 28/1/2000 bởi Panasonic, SanDisk và Toshiba. Tổ chức này đặt ra tiêu chuẩn riêng cho thẻ nhớ SD và chỉ các công ty thành viên được phép sử dụng chúng trên sản phẩm của mình. Hiện SD Association có hơn 1.000 thành viên.
25/5, Huawei tiếp tục bị liên minh phát triển kết nối Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) tạm thời xóa quyền tham gia. Liên minh Wi-Fi bao gồm các công ty công nghệ lớn như Qualcomm, Broadcom, Intel, Apple... Các thành viên đều góp phần phát triển và đưa ra tiêu chuẩn công nghệ cho kết nối Wi-Fi.
Theo Cnet, Huawei vẫn được sử dụng các công nghệ do liên minh Wi-Fi xây dựng, nhưng không còn quyền tham gia đóng góp. Điều này sẽ khiến Huawei thua thiệt các hãng khác về công nghệ Wi-Fi.