Khi mua hàng qua facebook, người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment xác nhận trên facebook hoặc fanpage của người bán, vậy là một giao dịch đã được tiến hành nhanh gọn. Tuy nhiên điểm yếu của nó là khách không thể “sờ tận tay”, do đó khó nắm được sự thật về hàng hóa. Từ đó cũng sinh ra nhiều chuyện “dở khóc dở cười” khi nhận được hàng.
Giao quần áo khách không mặc vừa, cô gái trẻ bị đánh tơi bời
Mới đây, tại Hà Nội, một cô gái bán quần áo trên facebook bị một khách hàng tìm đến tận nơi ở cho vài cái “bạt tai” vì bán hàng không trung thực sau đó còn tắt điện thoại, chặn facbook của khách hàng.
Theo nội dung của đoạn clip được chia sẻ trên mạng, chị T., trú ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, có đặt mua 2 bộ quần áo qua 1 shop trên facebook.
Khi trao đổi qua facebook, chị T. đã nói rõ số đo cơ thể để người bán hàng tư vấn và chọn size phù hợp. Chị T. không lăn tăn về giá cả, chỉ cần hàng đẹp đúng như mẫu và mặc vừa là được. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản hơn 1 triệu đồng, chị T. nhận được 2 bộ quần áo không thể ních nổi vào người, và cũng không đẹp giống như mẫu. Chị gọi điện lại cho chủ shop tắt không nghe máy; nhắn tin trên facebook thì phát hiện facebook của mình đã bị shop chặn.
Cô gái vẫn một mực thanh minh hàng "chuẩn size, chuẩn mẫu". |
Bức xúc với kiểu làm ăn chộp giật, không trung thực, chị T. lần tìm bằng được về địa chỉ nơi ở của người bán hàng thì phát hiện chủ shop là cô gái trẻ, quê ở ngoại thành Hà Nội, mới chuyển đến ở trọ ở một khu tập thể ngay trên địa bàn quận Đống Đa, gần khu vực chị T. ở.
Chị T. tức tốc đến tận phòng trọ cô gái để “xử lý” cho ra nhẽ, đồng thời báo cho lực lượng Công an đến giải quyết. Cuối cùng cô gái trẻ bán hàng lừa đảo đã phải nhận lại hàng, trả lại tiền và xin lỗi chị T.
Chị T. phải mời Công an đến giải quyết. |
Tương tự tình huống của chị T. về việc mua đồ không mặc vừa, chị P. ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ, chị đặt mua 2 áo sơ mi của shop trên facebook, địa chỉ tại TP.HCM. Khi nhận hàng thì cả 2 chiếc áo đều bị chật và ngắn, chị không thể mặc vừa.
Đặc biệt là chất vải mỏng tang, nếu chỉ mặc một áo thì “lộ hết hàng”, áo thực tế bên ngoài hoàn toàn không giống với hình đăng trên facebook. Chị P. phản ánh lại thì chủ shop nói rằng đồ chỉ có một size như vậy, hàng đúng như hình mẫu.
Không ít trường hợp người mua bàng hoàng khi nhận hàng thấy hàng quá xấu muốn trả lại, nhưng không được bởi lý do chủ shop khẳng định hàng “đúng mẫu”. Thậm chí nhiều người bán hàng quay ra gắt gỏng, nặng lời khi khách hàng phàn nàn.
Hàng "chuẩn mẫu"?? |
Nhiều shop online đăng ảnh hàng hóa một kiểu nhưng khi giao sản phẩm lại hoàn toàn khác, đó là những sản phẩm nhái theo, hình dáng “na ná” mẫu. Chủ shop lấy ảnh hàng hiệu để “câu” khách nhưng thực chất lại bán hàng Trung Quốc nhái.
Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc mua bán hàng hóa trên facebook
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết, hàng giả, hàng lậu và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày một tinh vi, xảo quyệt. Đường đi của hàng giả đang được “internet hóa” với việc chào hàng trên mạng xã hội ngày một nhiều.
Hàng giả đang ở mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và mọi sản phẩm, từ may mặc, hàng hiệu nước hoa, mỹ phẩm đến thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng và hàng điện tử.
Theo ông Tín, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên mạng xã hội như facebook, fanpage bán hàng…
Khách hàng "méo mặt" vì đặt hàng một kiểu, nhận một kiểu. |
Đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an, đơn vị trực tiếp tham gia bắt giữ các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả cho rằng, hiện nay cứ 7 vụ phát hiện vi phạm hàng lậu, hàng giả mới khởi tố hình sự được 1 vụ, còn lại 6 vụ khác chuyển xử lý xử phạt hành chính. Theo đơn vị này, trong chống hàng giả, Việt Nam đang vướng như “gà mắc tóc” vì quá nhiều luật và lực lượng tham gia.
Theo Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương, trong thời gian tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường địa phương kiểm tra các fanpage, các cá nhân buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội facebook, bởi đây là một trong những đường dây tiêu thụ hàng giả công khai.
Trước thực trạng bán hàng giả, hàng nhái trên facebook, mới đây Phó Chủ tịch Facebook mảng Ads và Pages Andrew Bosworth đã lên tiếng, Facebook đang xem xét các đoạn quảng cáo trên dịch vụ này mà người dùng phản ánh là liên quan đến hàng giả. Thời gian gần đây, nhiều báo cáo cho rằng không ít người treo quảng cáo nhưng không bán hàng như mẫu trên Facebook đang khiến người dùng bức xúc. Những đoạn quảng cáo này chủ yếu thu hút người xem nhờ đưa ra mức giá thấp hấp dẫn.
Không riêng gì ở Việt Nam, ở nước ngoài cũng xảy ra tình trạng mua bán không trung thực qua mạng. |
Vị nhân sự cấp cao này cũng cho biết vấn đề nói trên đang nhận được nhiều sự quan tâm đến mức, nhiều người dùng Facebook đã tìm đến một số trang chuyên "bêu riếu" các quảng cáo sai sự thật để chia sẻ.
(Theo An ninh Thủ đô)