Không rõ ràng về nguồn gốc khi ra thị trường, cá tầm nhập khẩu, rất nhiều trong đó là nhập lậu khiến các cơ sở nuôi cá trong nước gặp không ít khó khăn.

Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (TP.HCM) cho biết, mỗi ngày, cá tầm nhập khẩu về chợ khoảng 5 - 7 tấn. Tất cả cá về chợ đều phải khai báo về nguồn gốc. Với hàng nhập khẩu đều có giấy thông quan được phép lưu hành. Cá về chợ đủ nguồn gốc từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lâm Đồng và nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết cá tầm nhập khẩu khi về các chợ lẻ đều được tiểu thương giới thiệu là cá nuôi tại Lâm Đồng hay Sa Pa…

Lãnh đạo chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - NN-PTNT) cho biết, cá tầm Trung Quốc nhập về, tới tay người tiêu dùng chỉ có giá 140.000 - 160.000 đồng/kg, trong khi cá tầm Việt Nam từ 200.000 - 240.000 đồng/kg, tạo sức ép cho cá tầm nuôi trong nước. Trong khi đó, cá tầm nhập khẩu về Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc khi có tình trạng thương lái trộn cá tầm Trung Quốc vào cá tầm Việt Nam và người tiêu dùng hoàn toàn không thể phân biệt được. 

{keywords}
Cá tầm nuôi tại Lâm Đồng từng bán đổ bán tháo tại một số tuyến đường của TP.HCM

Theo số liệu từ Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, trong năm 2019, sản lượng cá tầm Việt Nam đạt 2.500 tấn, trong khi cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc là 4.500 tấn, chiếm 65% nhu cầu thị trường, nhưng phần lớn nhập theo đường tiểu ngạch. 

Sau khi xác minh có tình trạng cá tầm thương phẩm kiểm tra tại chợ không thuộc danh mục được phép nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này để đảm bảo nguồn gốc, thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam. Đơn vị này vừa gửi văn bản hỏa tốc đến cục hải quan các tỉnh, thành về thủ tục nhập khẩu cá tầm. Theo đó, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy phép CITES gồm cá tầm Đại Tây Dương và cá tầm Ban tích thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nhập khẩu không vì mục đích thương mại. 

Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam gồm cá tầm Beluga, cá tầm Nga, cá tầm Sterlet, cá tầm Trung Hoa, cá tầm Siberi. Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.

Theo Bộ NN-PTNT, cá tầm thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch động vật khi nhập khẩu. Cá tầm dùng làm thực phẩm cũng thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu. 

Cuối tháng Một vừa qua, Bộ NN-PTNT có công văn gửi Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Hội nghề cá Việt Nam và Hội cá nước lạnh Lào Cai, Lâm Đồng về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với địa phương thu thập mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (TP.Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP.HCM). Kết quả, có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm xác định hình thái không phù hợp với cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định. Cá tầm không rõ nguồn gốc sẽ không được kiểm dịch, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và cả những nơi đang nuôi cá tầm tại Việt Nam. 

(Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM)