XEM CLIP: Mưa ngập ở Quỳ Hợp, Nghệ An

Cả xóm "giải cứu" trang trại nuôi lươn

Mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua đã khiến trang trại lươn Thiên Hương (xóm Nam Thượng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) bị ngập nặng, buộc phải di dời. 

Trang trại này của gia đình chị Cao Thị Mai Phương và anh Đặng Văn Thiên, bắt đầu nuôi lươn từ năm 2022. Gia đình phải vay mượn ngân hàng 300 triệu đồng để xây dựng trang trại. 

Trang trại lươn chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lũ. Ảnh: Kim Chi

Đây là lứa lươn đầu tiên, đã đến ngày xuất bán nhưng không may tối 26/9, nước mưa tràn vào trang trại gây ngập nặng. Với sự trợ giúp của các lực lượng xã Ngọc Sơn và bà con lối xóm, gia đình đã vận chuyển được gần 5 tấn lươn từ trang trại về gửi ở các nhà dân.

Tuy nhiên, trong quá trình đưa lươn ra khỏi bể trang trại và di chuyển, lươn bị sốc nước, sốc nhiệt nên khó sống lâu, nếu không tiêu thụ nhanh thì sẽ thiệt hại nặng nề. Vì vậy nhiều người dân trong xóm đã đến mua giúp chủ trại nhằm cứu lại chút vốn liếng.

Cả xóm chung tay "giải cứu" trang trại lươn. Ảnh: Kim Chi

Chị Phương cho biết: “Đêm qua mưa lớn, chúng tôi vớt lên được khoảng 5 - 6 tấn lươn, khá nhiều lươn bị tràn ra ngoài. Đến thời điểm hiện tại gia đình đã bán được một nửa với mức giá 120.000 đồng/kg. Giá bán này có khi là lỗ vì lươn có con to, con nhỏ mà tiền mua lươn giống cao”.

Di chuyển tài sản của người dân tới nơi an toàn

Hôm nay (27/9), nhiều nơi ở huyện Quỳ Hợp hứng chịu mưa lớn kéo dài nên bị ngập cục bộ; một số xóm, bản bị cô lập; nước sông, suối đang lên nhanh.

Hiện tại, chính quyền và nhân dân địa phương đang phát huy phương châm "4 tại chỗ", huy động các lực lượng dầm mình trong nước ngập, chuyển đồ đạc, gia súc của người dân đến nơi an toàn.

Nhiều nơi ở huyện Quỳ Hợp bị ngập lụt. Ảnh: Phan Giang
Người dân chung tay "giải cứu" ô tô bị chìm trong biển nước. Ảnh: Phan Giang

Huyện Quỳ Hợp đã thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra các cầu tràn bị ngập, các điểm xung yếu, những hộ dân bị cô lập… Đồng thời, cảnh báo người dân phải cẩn trọng khi lưu thông trên các tuyến đường bị ngập nước, không nên qua lại những điểm ngập sâu, đề phòng tai nạn rủi ro.

Ngoài ra, đề nghị các nhà trường tại các vùng bị cô lập cho học sinh nghỉ học; người dân nhắc nhở, quán triệt con em không vui chơi, vớt củi, bắt cá ở khu vực sông, suối, dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Chính quyền địa phương cũng triển khai phương án chuẩn bị di dời dân ra khỏi khu vực ngập lụt, đưa tài sản lên nơi an toàn; kiểm tra các điểm xung yếu của hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, các khu dân cư vùng ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những hộ dân ở một số vùng bị ngập lụt.

Anh Hoàng Anh Phùng (xóm Thanh Xuân, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) cho biết: “Ngay từ đêm qua, khi nghe tiếng kiểng của xóm Thanh Xuân, chúng tôi đã thức dậy, tập trung lực lượng giúp các hộ bị ngập di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng trực tại điểm cầu tràn của xóm để nhắc nhở, canh chừng không cho người dân qua lại”.

Đàn lợn của người dân được đưa lên chỗ cao. Ảnh: Phan Giang
Ảnh: Phan Giang

Tại xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp), từ lúc 1h sáng 27/9, mưa to cộng nước xả lũ từ xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) đổ về khiến trang trại của gia đình chị Đinh Thị Thỏa (xóm Trọng Cánh) bị ngập.

Hàng trăm con lợn, dê, gà, 2 xe ô tô và nhiều tài sản khác của trang trại đã được lực lượng chức năng và người dân giúp đỡ sơ tán.

Chính quyền địa phương kịp thời chỉ đạo các lực lượng giúp dân trong mưa lũ. Ảnh: Phan Giang

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân xã tham gia di chuyển các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn; phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác tại các điểm ngập lụt, sạt lở, hướng dẫn, cảnh báo người dân qua lại bảo đảm an toàn.

Tất cả các cầu tràn, tuyến đường có nguy cơ sạt lở đều đã được chính quyền các địa phương phong tỏa, đặt biển cảnh báo, cử người chốt chặn 2 đầu.

Kim Chi - Phan Giang