Đó là câu chuyện mua nhà đầy áp lực của người mẹ đơn thân 30 tuổi tên Nguyễn Thị Lý ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội. Dù suốt 3 năm qua phải vắt kiệt sức mình và mở mắt đã mệt mỏi với tiền nợ mua nhà, nhưng cuối cùng, nhờ nỗ lực của bản thân, chị Lý đã trả hết 900 triệu tiền nợ mua nhà. Hai mẹ con chị đang sống trong căn nhà chung cư mới tại Hà Nội.

6 năm trước, chị Lý từng kết hôn. Tuy nhiên, khi con được 3 tuổi thì vợ chồng chị ly hôn do quá nhiều mâu thuẫn với nhau trong cuộc sống. Khi ấy, chị làm phiên dịch cho một công ty xây dựng, lương tháng 15 triệu đồng.

Sau ly hôn, mẹ con chị Lý về sống cùng ông bà ngoại. Hàng ngày, chị Lý đi làm. Còn ông bà ngoại chăm cháu và đưa đón cháu đi lớp giúp chị. “Không như nhiều mẹ đơn thân khác, chồng cũ của tôi sau ly hôn vẫn có trách nhiệm chu cấp cho bé 1 tháng 4 triệu đồng. Anh cũng hay đưa con đi công viên, đi xem phim cuối tuần hay đóng các khoản học tiếng Anh cho bé”, chị Lý cho biết.

{keywords}
 

Vợ chồng chia tài sản, chị Lý có trong tay 300 triệu đồng. Với số tiền này, bà mẹ đơn thân luôn ấp ủ mua một căn hộ chung cư trả góp theo từng đợt. Vì thế, sau nhiều ngày tìm kiếm, chị quyết định mua căn hộ 1,2 tỷ đồng ở ngay gần nhà bố mẹ đẻ ở khu Trung Hòa, Nhân Chính.

“Biết mình mua nhà, ông bà ngoại cho con gái vay 200 triệu đồng. Những người thân, anh em bạn bè cho vay 200 triệu đồng. Tổng mình có 700 triệu đồng. Mình vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng nữa. Như vậy tính ra, mình vay của người thân và ngân hàng 900 triệu đồng”, chị Lý nhẩm tính.

Theo bà mẹ đơn thân tính toán, với số tiền vay ngân hàng 500 triệu đồng trong 5 năm tức 60 tháng với lãi suất 10%/năm theo phương thức tính lãi mức cố định ban đầu thì mỗi tháng chị phải trả ngân hàng cả gốc và lãi là 12,5 triệu đồng.

“Mình tính lương từ từ sẽ tăng, chi tiêu vẫn thế, kế hoạch trả nợ sau 5 năm vẫn khả thi. Nhưng khi mua nhà xong rồi, mới thấy áp lực trả nợ quá lớn mỗi tháng”.

Khi mua nhà xong, chị Lý tiếp tục sống ở nhà bố mẹ đẻ để vừa tiện nhờ ông bà chăm sóc con, vừa cho 1 hộ gia đình thuê căn chung cư mới mua với giá 3,5 triệu đồng/tháng chưa bao gồm điện nước họ tự trả. “Số tiền cho thuê nhà này cộng với tiền chồng cũ hỗ trợ nuôi con, mình có 7,5 triệu đưa mẹ đẻ để nuôi cháu ăn học và chi tiêu tiền ăn cho 2 mẹ con mình. Số tiền lương của mình thì để trả nợ tiền mua nhà”, chị Lý cho hay.

Theo chị Lý, để có tiền trả nợ tiền ngân hàng mỗi tháng và tích lũy tiền trả nợ tất toán trước hạn, trong suốt 3 năm qua, chị chưa dám mua 1 cái áo mới hay đi ăn nhà hàng và từ chối hầu hết các cuộc gặp gỡ, tụ tập bạn bè. Thậm chí đi du lịch, chị cũng chỉ cho con đi 1 năm/lần theo chế độ của công ty. Hàng ngày, chị chịu khó nấu cơm nhà mang đi làm thay vì ăn ngoài hàng như trước.

{keywords}
 

Vì áp lực trả nợ tiền nhà, chị Lý đặt mục tiêu chỉ trả nợ trong 3 năm thay vì phải mệt mỏi trong 5 năm liền. Do đó, ngoài chi tiêu tằn tiện, chị phải cố gắng làm thêm để có tiền trả nợ sớm.

“Nhờ cố gắng trong công việc, lương tháng của mình được sếp tăng từ 15 triệu đồng lên 20 triệu/tháng. Ngoài ra, mình nhận phiên dịch thêm cho một số công ty khi họ hội họp hoặc nhận thêm biên dịch cho một số báo điện từ. Tổng tiền làm thêm mỗi tháng cũng được khoảng 10 triệu đồng.

“Thu nhập mỗi tháng lúc nào mình cũng cố gắng ở mức 30 triệu đồng để mỗi năm tích lũy được 360 triệu đồng trả nợ ngân hàng và người thân. Cứ thế sau 3 năm làm việc không mệt mỏi, mình có trong tay 1 tỷ đồng. Số tiền này đủ để mình tất toán hết nợ trước thời hạn với ngân hàng và nợ người thân”, chị Lý tâm sự.

Suốt 3 năm làm việc quần quật, không bao giờ được đi ngủ trước 12h đêm. Sáng ra 6h sáng đã dậy làm việc, cuối cùng bà mẹ đơn thân này đã rũ được nợ và sở hữu một căn hộ chung cư nhỏ giữa Hà Nội. Su 3 năm, căn hộ chị Lý mua giá 1,2 tỷ giờ có giá khoảng 1,5 tỷ đồng.

“Dự án chung cư mình mua là của một công ty khá uy tín. Vì thế cơ sở hạ tầng đảm bảo. Chưa kể chung cư giữa trung tâm thành phố rất tiện đi lại. Hiện sau khi mua nhà xong mình vừa tiếp tục mua 1 chiếc xe hơi trả góp giá 300 triệu đồng để tiện lợi khi đi làm”, chị Lý nói.

Nhìn lại thành quả 3 năm qua, giờ đã có nhà, có xe dù còn một khoản nợ nhỏ nhưng mẹ đơn thân này không hề lo lắng. “Chặng đường gian nan và mệt mỏi nhất mình đã vượt qua. Thật sự, nếu không liều mua nhà, mình nghĩ sẽ vẫn chỉ có 300 triệu đồng tích lũy sẵn, nếu tích lũy giỏi cũng chỉ được thêm ngần ấy nữa còn sẽ tiêu xài hết. Chỉ vì thiếu nợ và phải vượt qua áp lực thì mình mới có được cái mà nhiều mẹ đơn thân khác không có", chị Lý tâm sự.

Thảo Nguyên