Theo báo cáo, dịp mua sắm Ngày Độc thân 2018 đã mang về cho Alibaba khoản doanh thu kỷ lục 213,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 30,8 tỷ USD), thông qua những giao dịch thực hiện trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của tập đoàn như Tmall.com, AliExpress và Taobao Marketplace hay tại các cửa hàng truyền thống.

Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã biến ngày dành riêng cho những người độc thân trẻ tuổi tại Trung Quốc trở thành lễ hội toàn cầu, thu hút hàng ngàn người bán và hàng trăm triệu người mua thuộc mọi lứa tuổi.

Theo tính toán của Tech Crunch, mức doanh thu trên cao gấp đôi so với Ngày thứ Hai công nghệ và Ngày thứ Sáu đen của Mỹ năm 2017 cộng lại. Năm 2017, doanh số của ngày 11/11 tăng 39%, lên 168,2 tỷ nhân dân tệ (24,2 tỷ USD), tương đương với GDP của một số nước nhỏ. Phần lớn mua sắm diễn ra trên các trang Taobao và Tmall của Alibaba.

{keywords}
Bán hàng online bội thu cuối năm

Sự thành công của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc khiến những "người chơi" khác tại Đông Nam Á không thể đứng ngoài cuộc. Đổ tiền cho khuyến mại, truyền thông, quảng cáo,... các ông lớn liên tục duy trì vị thế trên thị trường. Lazada cho biết, ngày độc thân năm nay sẽ được đầu tư lớn để trở thành sự kiện mua sắm lớn nhất từ trước đến nay của đơn vị này.

Không kém cạnh, Shopee cũng rầm rộ quảng cáo ngay từ đầu tháng 11 với nhiều khuyến mãi hẫp dẫn. Còn Tiki mang đến cho khách hàng trong mùa lễ hội là các khung giờ flash sales diễn ra xuyên suốt một tuần lễ trước ngày 11/11.

Trang Adayroi khởi động chương trình "Sale độc thân" từ 4-11/11 đón đầu mùa khuyến mại cuối năm nay. Trong khi đó, Sendo lại tập trung cho ngày Black Friday.

Không chỉ dừng ở đó, các ông lớn cũng có những chiêu trò riêng để gây chú ý. Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, đích thân đi giao đơn hàng iPhone đầu tiên để quảng bá cho chương trình giao hàng hỏa tốc 2h ngay trong đêm. Shopee đã ký với siêu sao Cristiano Ronaldo làm đại diện thương hiệu từ giữa tháng 8. Còn Tiki tài trợ cho hàng loạt MV ca nhạc của các nghệ sỹ trẻ trên Youtube.

Để chuẩn bị nguồn lực, hơn 30 kho hàng ở 17 thành phố đã sẵn sàng để quản lý lượng đơn hàng khổng lồ, trong đó, Lazada trực tiếp xử lý hơn 75% số bưu kiện. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng lấy hàng và nạp tiền tại hệ thống các điểm nhận hàng trong khu vực.

Còn theo Tiki, 70% số sản phẩm có thể áp dụng dịch vụ giao hàng nhanh 2 giờ. Hoạt động theo mô hình Sàn Giao dịch có Quản lý, sàn này tuyên bố bán sản phẩm chính hãng với chính sách bồi hoàn 111%.

Cuộc chơi tốn kém

Theo đánh giá, thương mại điện tử Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 3% tổng quy mô ngành bán lẻ trong khi tỉ lệ này tại Trung Quốc đạt khoảng 17%. Động lực mua sắm của khách hàng qua thương mại điện tử hứa hẹn sẽ trở nên lớn hơn nhờ sức lan toả từ một trào lưu xuất phát từ những quốc gia khác.

{keywords}
Cuộc chiến giữa các sàn ngày càng gia tăng

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30% và quy mô toàn thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 8 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13-15 tỷ USD.

Đại diện Adayroi cho biết, sẽ tiếp tục mang những trải nghiệm trọn vẹn tới các tín đồ mua sắm với việc cam kết lựa chọn nhà cung cấp uy tín, dịch vụ giao hàng nhanh chóng, liên tục tăng thêm ưu đãi từ đối tác và hàng hoạt ưu đãi trong dịp cuối năm này, bước đầu là chương trình "Sale độc thân 11/11".

Ông Pierre Poignant, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Lazada, cho biết, lễ hội mua sắm 11/11 hàng năm góp phần quan trọng tạo nên sự đổi mới và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử khu vực, vốn là lĩnh vực đang chiếm tỷ trọng lớn nhất của nền kinh tế số và được kỳ vọng sẽ chạm ngưỡng 300 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn luôn là cuộc chơi đốt tiền. Năm 2018, theo báo cáo thường niên của VNG, Tiki lỗ 757 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên khoảng 1.300 tỷ đồng. Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, qua đó VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 tỷ và 126 tỷ vào kết quả kinh doanh của mình.

Trong ngành thương mại điện tử Việt Nam thì việc lỗ tới 800-1.000 tỷ đồng/năm cũng không phải là điều mới mẻ. Shopee cũng lỗ lũy kế trên 800 tỷ đồng đến cuối năm 2017.

Trong bối cảnh người tiêu dùng đã dần quen với việc mua sắm trực tuyến và nhiều nền tảng thương mại điện tử với sự hậu thuẫn hùng hậu của các công ty, tập đoàn quốc tế xuất hiện tại thị trường Việt Nam, nếu không mang tới trải nghiệm tốt cho khách hàng, ngay cả các “ông lớn”, xuất hiện từ lâu trên thị thương mại điện tử cũng có thể bị xóa sổ.

Duy Anh