Hai chuyến bay quốc tế cuối cùng trước khi có dịch Covid-19 tôi đầu năm 2020 là làm khách mời hội sách Doha, Qatar với các nước khối tiếng Ả Rập và La Habana, Cu Ba cho hội sách lớn khu vực châu Mỹ La Tin mà Việt Nam là khách mời danh dự. Thế rồi Covid-19 ùa về bất ngờ, 2 năm trời ròng rã và liên tục chúng ta bị phá tan mọi dự định và kế hoạch cho xuất bản và văn hoá đọc. Thật không tưởng tượng nổi.

Nhưng ngay cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, mùa vui đã đến rồi! Sách và văn hoá đọc có mùa vui đây rồi. Chuyện như mơ! Các hội sách trực tiếp (chứ không chỉ là trực tuyến nữa) đã diễn ra trên thế giới. Khởi đầu là hội sách Bangkok rất ấn tượng và bất ngờ. Và ngay sau đó là hội sách London, hội sách lớn thứ 2 thế giới (sau Frankfurt Book Fair) năm nay chính thức mở cửa trở lại để đón lãnh đạo các nhà xuất bản trên thế giới. Hội sách London vừa diễn ra từ ngày 5-7/4 tại SVĐ Olympia, London - nơi tôi đã nhiều lần đến và quen từng ngõ ngách, lối đi, từng quán cafe và bậc lên xuống. 

 

Năm nay London Book Fair còn tổ chức thêm một hội sách nữa mang tên hội sách theo yêu cầu (On-Demand) từ 11-29/4. Niềm vui đang thật sự lớn trong tôi và trong mỗi chúng ta.

Từ hội sách ở nước ngoài vừa về đến Việt Nam, tôi đến gặp ngay Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL Phạm Quốc Hùng và anh Hoàng Đức Minh cùng chị Vũ Thị Tú Oanh là Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục Đào tạo. Tất cả chỉ để bàn sự phối hợp với nhau cho Ngày Sách và Văn hoá đọc, cho dự án Khuyến đọc Việt Nam. Hai cuộc gặp thành công bất ngờ làm tôi rất vui và càng tin cho sách và văn hoá đọc chuyển động mạnh ngay năm 2022 này.

Rồi tôi dẫn các học trò của mình ra Phố Sách 19/12, tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi đứng ngay khu vực “Lễ phát động cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc và giới thiệu sách trực tuyến” để giới thiệu và nói chuyện với các học trò của mình, để truyền cảm hứng, để lan toả những thông điệp tốt đẹp nhất đến với hàng triệu bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Tôi và các cộng sự, các bạn bè trong các đơn vị xuất bản đang thật sự tâm huyết và hết mình bởi năm 2022 này với dự án Khuyến đọc Việt Nam có quá nhiều niềm vui đặc biệt.

Thứ nhất, quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bạn hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Điểm đặc biệt và rất quan trọng nằm ở thay đổi lớn trong sách và văn hoá đọc

Theo văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch số 1064/ HD-BVHTTDL ngày 30/03/2022 thì đối với các xã nông thôn mới nâng cao, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí về trụ sở Trung tâm văn hóa, khu thể thao xã; nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tiêu chí về cơ sở vật chất đảm bảo mọi người dân trong vùng đều được sử dụng thuận lợi và dễ dàng tiếp cận thì hoạt động thư viện tại các xã nông thôn mới phải có nhiều tiêu chí hơn.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong mấy tháng liền ngồi đọc kỹ các tài liệu này. Rất quan trọng! Bộ Tiêu chí nêu rõ “Có hoạt động phục vụ tài nguyên thông tin cho nhân dân tối thiểu đạt 3.000 lượt/năm trở lên đối với vùng đồng bằng; Có hoạt động phục vụ tài nguyên thông tin cho nhân dân tối thiểu đạt 1.500 lượt/năm trở lên đối với vùng miền núi; Có hoạt động phục vụ tài nguyên thông tin cho nhân dân tối thiểu đạt 500 lượt/năm trở lên đối với vùng núi cao, hải đảo và các xã đặc biệt khó khăn.

Đối với huyện nông thôn mới, bên cạnh các tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn về quy hoạch đất và diện tích sử dụng tại vị trí trung tâm đảm bảo mọi người dân trong vùng đều được sử dụng thuận lợi và tiếp cận dễ dàng thì hoạt động kết nối với xã được bổ sung thêm đối với hoạt động thư viện. Theo đó hoạt động thư viện tại các huyện nông thôn mới cần phải “được bảo đảm nguồn lực cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và có khả năng kết nối, liên thông với mạng lưới thư viện của tỉnh/thành”.

Chúng ta không thể không vui với những kết quả ban đầu của lĩnh vực sách và văn hoá đọc khi trong những năm qua, hoạt động thư viện, việc đọc sách, báo đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống của mỗi cá nhân. Hệ thống thư viện công cộng đã thay đổi cách thức phục vụ, chuyển từ tĩnh sang động, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy phát triển văn hóa đọc làm mục tiêu, qua đó từng bước xây dựng và hình thành thói quen đọc sách đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bồi đắp tâm hồn, phát triển kinh tế, xã hội. 

Tôi ngồi xem lại kỹ các thống kê: Tính đến năm 2021, cả nước đã có 669 thư viện cấp huyện, 2.650 thư viện cấp xã và 16.092 phòng đọc cơ sở, 282 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú đa dạng cùng hàng chục nghìn thiết chế văn hóa truyền thống khác tạo nên không gian văn hóa đa dạng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo của người dân.

Thứ hai, là người được mệnh danh là “tiến sĩ văn hoá đọc” tôi thật sự xúc động và có niềm vui cực kỳ lớn là ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Theo đó lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Như vậy là trước đây chúng ta có ngày Sách việt Nam thì nay chúng ta có Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Năm 2022, ngay tháng 4 này, chúng ta lần đầu tiên đón nhận sự kiện quan trọng và ý nghĩa này.

Thứ 3, ngay từ khi còn đang ở nước ngoài, tôi đã nhận được hàng chục lời mời đến nói chuyện, chia sẻ, truyền cảm hứng, giới thiệu sách tại nhiều địa phương trên cả nước. Niềm vui của mùa vui đang đến thật rồi. Tôi dự định sẽ làm một tour nói chuyện và triển khai Hội Sách Xuyên Việt từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, TP.HCM và có thể hơn nữa.

Tôi sẽ tặng hàng trăm cuốn sách nhân tháng 4 - tháng đọc sách này. Chúng tôi sẽ tặng nhiều tủ sách của dự án ATM Tủ sách để góp phần triển khai thật tốt dự án Khuyến đọc Việt Nam. Chúng tôi tin rằng 1.000 ATM Tủ sách đầu tiên sẽ tạo sức lan toả rất lớn.

Các đơn vị xuất bản đang tích cực chuẩn bị cho các hội sách, các hoạt động văn hoá đọc trên khắp cả nước trong đó có hội sách Xuyên Việt. Thật sự hào hứng và tính lan toả đang rất cao. Mùa vui của sách và văn hoá đọc đã đến thật rồi. Niềm vui nối tiếp niềm vui… Hạnh phúc tràn đầy và đang tràn ra xa mãi, xa mãi.

TS Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books