Nhiều người xa lánh người yêu vì sợ mất tự do. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels. |
Mối tình bền chặt và dài lâu là mong ước của nhiều đôi yêu nhau. Tuy nhiên, khi tình yêu trở nên mặn nồng, một số người dần trở nên lo âu và tìm cách để tạo khoảng cách với người mình yêu.
Thêm vào đó, cần không gian riêng, bảo toàn sự độc lập hay sợ ràng buộc là một vài lý do nổi bật họ đưa ra để giải thích cho hành vi của mình.
Dưới đây, Psychology Today đưa ra những chỉ dẫn hữu ích cho những ai gặp phải vấn đề tương tự trong đời sống tình cảm cá nhân.
Người có tuổi thơ thiếu thốn tình thương thường khó để tin tưởng ai đó khi yêu đương. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Nguồn gốc
Nếu muốn yêu đương nhưng không nhận về kết quả như ý, rất có thể mọi người đang ngầm sợ mất đi sự độc lập của mình. Nói một cách dễ hiểu, điều này đồng nghĩa với nỗi lo lắng đánh mất chính mình trong mối quan hệ.
Những người có xu hướng trên hay có kiểu gắn bó né tránh (xa lánh hoặc sợ hãi) trong tình yêu. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng thiên hướng này thường được hình thành từ mối quan hệ gần gũi trong quá khứ.
Theo đó, nỗi sợ mất tự do hay độc lập khi yêu có thể bắt nguồn từ việc thiếu thốn tình thương gia đình hay bị người thân kiểm soát quá đà.
Nếu trải qua hoàn cảnh lớn lên như vậy, không dễ để mọi người tin tưởng người khác sẽ yêu thương hay đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mình. Kết quả, chúng ta cố gắng trở nên độc lập và mạnh mẽ như một cách để bảo vệ bản thân và đối phó với những môi trường mình không quen thuộc.
Dù có thể đã giúp mọi người vượt qua khó khăn trong quá khứ, hành vi đối phó này dễ dàng cản trở việc theo đuổi và hình thành những mối quan hệ có ý nghĩa trong tương lai.
Xa lánh đối phương ngay khi gần gũi hơn là một dấu hiệu tiêu biểu của lo âu đánh mất sự độc lập. Ảnh minh họa: Kseniya Budko/Pexels. |
Dấu hiệu
Nếu đã độc thân quá lâu hay yêu đương không thuận lợi, bạn có thể xem xét các dấu hiệu về sợ hãi mất tự do/độc lập dưới đây. Chúng rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc tiêu cực khi hẹn hò.
- Tìm những lý do hời hợt để từ chối tình cảm của đối phương
- Trở nên xa cách ngay khi bắt đầu thân thiết hơn với ai đó
- Tập trung vào sự độc lập và tìm kiếm không gian riêng tư nhiều hơn khi yêu đương
- Thường xuyên bị thu hút bởi đối tượng không phù hợp kết đôi lâu dài hay có tính cách trái ngược. Tuy nhiên, bạn đều trở nên xa cách ngay khi mối quan hệ trở nên gần gũi hơn
- Nỗi sợ đánh mất tự do lớn dần theo mức độ thân thiết khi yêu. Thêm vào đó, bạn cố gắng sửa chữa thiếu sót của đối phương như một cách để xa lánh và thuyết phục bản thân rằng họ không phải đối tượng yêu phù hợp
- Thường xuyên có suy nghĩ như: “Tôi không có cảm giác gì đặc biệt với anh/cô ấy”, “Mối quan hệ này thiếu vắng gì đó” hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc lý tưởng hóa hay so sánh với các mối tình cũ.
Bước đầu tiên để chúng ta khắc phục nỗi sợ hãi mất tự do khi yêu là học cách nhận thức được ảnh hưởng của chúng đến mối quan hệ của mình.
Nếu vẫn thường xuyên gặp khó khăn, mọi người hoàn toàn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia hay nhà trị liệu tâm lý. Họ sẽ đồng hành và hướng dẫn thay đổi và hình thành những hành vi tích cực và lành mạnh trong mối quan hệ.
Theo Zing