Vàng vọt qua ngưỡng 2.400 USD/ounce

Đầu phiên giao dịch ngày 11/7 (đêm 11/7 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn New York Mỹ tăng vọt thêm khoảng 30 USD lên 2.410 USD/ounce sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 thấp hơn kỳ vọng.

Thông tin này cùng lập trường chính sách mới mà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chia sẻ trước hạ viện Mỹ phiên liền trước ngay lập tức khiến giới đầu tư đánh cược gần 90% khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 giảm 0,1% sau khi đi ngang trong tháng 5. Đây là thông tích cực đối với kinh tế Mỹ và vượt so với kỳ vọng tăng 0,1% của các nhà kinh tế.

Tính 12 tháng qua, lạm phát của Mỹ ở mức 3%, thấp hơn so với mức kỳ vọng 3,1% và thấp hơn mức 3,3% ghi nhận trong tháng 5. CPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) chỉ tăng 0,1%, so với mức kỳ vọng tăng 0,2%.

Trước đó, vàng có một phiên tăng điểm khá mạnh trên thị trường châu Á sau khi Chủ tịch Powell bất ngờ tuyên bố Fed sẽ hạ lãi suất mà không cần lạm phát về mốc mục tiêu 2%.

Đây là một thay đổi quan trọng về lập trường chính sách của Fed.

VangSJC3HHOK.jpg
Giá vàng nhẫn trong nước tăng theo giá thế giới. Ảnh: HH

Trước đó, ông Powell luôn kiên trì với lập trường kéo lạm phát về mục tiêu 2% và tin tưởng vào việc có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khá nhiều. Nền kinh tế Mỹ gần đây bắt đầu phát ra nhiều tín hiệu tiêu cực - điều mà nhiều quan chức Fed cũng như các nhà phân tích thị trường lo ngại. Số liệu việc làm trong tháng 5 được điều chỉnh giảm, còn tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 tăng.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 10/7, Chủ tịch Fed Powell cho hay Fed sẽ không đợi đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới cắt giảm lãi suất. Bởi, theo ông, nếu đợi lâu như vậy, lạm phát có thể giảm và về dưới mức 2% - điều không mong muốn.

Nói là vậy, nhưng vấn đề khiến ông Powell cũng như nhiều quan chức Fed lo lắng hơn cả là những tác động chính sách có độ trễ lên nền kinh tế Mỹ. Nếu giữ lãi suất ở mức quá cao như hiện tại (5,25-5,5%/năm), kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Khi đó, tác hại là rất lớn.

Đây cũng là vấn đề được các nhà kinh tế đề cập nhiều thời gian qua. Dù vậy, Fed đã gặp rất nhiều khó khăn để xác định thời điểm hợp lý để thay đổi hoặc đảo chiều chính sách tiền tệ.

Tuyên bố của ông Powell lần này rõ rằng hơn bao giờ hết. Fed có thể chấp nhận lạm phát ở mức cao hơn so với mức mục tiêu 2% được xác lập nhiều thập kỷ qua.

Mỹ chấp nhận thực tại mới, giá vàng sẽ lên 3.000 USD?

Sở dĩ quan điểm về mục tiêu lạm phát của Fed thay đổi là do nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới giờ đổi khác rất nhiều sau đại dịch Covid-19 và những xung đột địa chính trị tại Ukraine, Biển Đỏ, Trung Đông... gần đây.

Nhiều nước trên thế giới đang phải sống chung với tình trạng giá cả tiêu dùng tăng cao. Trong khi đó, các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Thế giới hiện tại có xu hướng bị phân mảnh. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị đứt gãy, rạn nứt. Các nước có xu hướng đánh thuế nhiều loại hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, thay vì đẩy mạnh tự do thương mại.

Gần đây, ngân hàng trung ương nhiều nước đã quyết định hạ lãi suất, bơm thêm tiền ra thị trường để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, trong đó có Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng TƯ Canada, Thụy Điển và Thụy Sỹ... 

Các quan chức ECB cũng nâng dự báo lạm phát trung bình năm 2024 từ 2,3% lên 2,5%. Với năm 2025, lạm phát được nâng từ mức 2% lên 2,2%. Trong năm 2026, lạm phát được dự báo ở mức 2,9%.

Tại Mỹ, nếu không có biến động gì lớn, khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp hôm 18/9 là rất cao. Fed cũng có thể giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Đồng USD được dự báo sẽ giảm, qua đó đẩy giá vàng đi lên.

Tới 8h25 tối ngày 11/7 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - giảm 0,8% so với phiên liền trước xuống 104,2 điểm. Giá vàng lên mức 2.410 USD/ounce (tương đương 74,7 triệu đồng/lượng).

Về dài hạn, Fed được dự báo sẽ còn nhiều lần cắt giảm lãi suất, có thể lên tới 10 lần. Đồng USD trong tương lai cũng chịu áp lực từ nỗ lực làm suy giảm vai trò của đồng tiền này từ Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác trong nhóm BRICS.

Đồng USD giảm sẽ kéo giá vàng đi lên. Vàng cũng được hỗ trợ bởi sức cầu tăng dự trữ mặt hàng kim loại này từ ngân hàng trung ương nhiều nước.

Việc Fed giảm lãi suất cũng chỉ là một yếu tố tác động lên vàng. Từ nay đến cuối năm, thế giới có rất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Ông Trump, ông Biden hay một người nào khác lên trong nhiệm kỳ mới cũng được cho sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính hàng hóa. Tiền có thể được bơm thêm ra.

Nhiều dự báo vàng sẽ lên mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay. Goldman Sachs tin rằng vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce (tương đương 93 triệu đồng/lượng) trong năm sau khi Fed bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ.

Trong nước, giá vàng miếng SJC bất động ở mức gần 77 triệu đồng/lượng (giá bán) khoảng 31 phiên liên tiếp. Giá vàng nhẫn lên mức 76,25 triệu đồng/lượng (giá bán), chỉ thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 750 nghìn đồng/lượng. So với đầu năm, vàng nhẫn đã tăng khoảng 13-14 triệu đồng/lượng.