Mỹ đảo chiều chính sách

Tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole 2021 vừa kết thúc tại Wyoming, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong năm nay. 

Tuy nhiên, ông Jerome Powell cũng thông báo Fed sẽ không vội vàng nâng lãi suất.

Hội nghị chuyên đề Jackson Hole thường có sự góp mặt của các chủ tịch NHTW từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay, hội nghị được tổ chức trực tuyến bối cảnh số ca Covid-19 gia tăng tại Hạt Teton (Wyoming).

Tín hiệu của ông chủ Fed tại hội nghị khá rõ ràng: Mỹ có thể sẽ “taper”, thu hẹp và siết chặt lại dần chính sách tiền tệ nới lỏng ngay trong năm nay sau một thời gian bơm tiền kéo dài trong nhiều năm qua với các gói nới lỏng định lượng - quantitative easing (QE).

{keywords}
Mỹ phát tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tê.

Trong một thời gian dài, Fed đã bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách dùng tiền mua trái phiếu/chứng khoán của các ngân hàng thương mại nhằm đẩy lợi tức trái phiếu - bond yield - xuống thấp hơn, đồng thời cung cấp cho các ngân hàng thương mại một lượng tiền dồi dào sau khi đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, sát 0% và không thể hạ thấp thêm nữa.

Những chính sách bơm thanh khoản của Fed đã giúp nền kinh tế hồi phục nhanh chóng với mức tăng hơn 33% trong quý III/2020, sau khi giảm hơn 31% trong quý II/2020. Chứng khoán Mỹ dồn dập lập các kỷ lục cao mới trong suốt một năm qua và vẫn tiếp tục xu hướng đi lên.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ cũng bắt đầu đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao và có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Do đó, Fed phải tính tới những giải pháp thận trọng hơn.

Ngay sau hội nghị, chứng khoán Mỹ lập tức tăng mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 200 điểm, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq lập đỉnh cao kỷ lục mới. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm. Giá vàng tăng mạnh vượt ngưỡng 1.800 USD lên mức 1.817 USD/ounce.

Với những tín hiệu trên, giới quan sát thị trường cho rằng, việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu có thể được đưa ra ngay sau cuộc họp định kỳ, từ 21 đến 22/9 của Fed.

{keywords}
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole 2021.

Thận trọng hơn

Mặc dù đảo chiều chính sách nhưng Fed dưới thời ông Jerome Powell tỏ ra khá thận trọng. Điều được Powell nhấn mạnh là: Fed sẽ không vội vàng nâng lãi suất.

Ông Powell cảnh báo, việc giảm quy mô mua trái phiếu không phải là dấu hiệu cho thấy động thái nâng lãi suất sắp được thực hiện. Ông giải thích, thời gian và tốc độ của việc giảm mua tài sản sắp tới không nhằm đưa ra dấu hiệu trực tiếp về thời điểm nâng lãi suất.

Theo ông chủ Fed, việc tăng lãi suất sẽ được tính đến, khi “nền kinh tế đạt được những điều kiện phù hợp về trạng thái toàn dụng lao động và lạm phát vượt qua mức 2% trong một thời gian”.

Có thể thấy, đây là một tín hiệu về chính sách khá thận trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại và rủi ro gia tăng từ sự lây lan của biến thể Delta.

Trong quý II, nền kinh tế Mỹ gây thất vọng với mức tăng trưởng chỉ đạt 6,5%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 8,4% của Dow Jones. Các gói kích thích tài chính, tiền tệ và tài khoá không thúc đẩy được tăng trưởng lên cao như kỳ vọng.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục cao mới.

Theo Capital Economics, giá cả tăng cao làm suy yếu sức mua của người Mỹ. Trong khi biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ cùng tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn dự báo cho thấy kinh tế Mỹ chỉ có thể tăng trưởng 3,5% trong hai quý còn lại của năm.

Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức rất cao, gần gấp đôi so với trước đại dịch.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7 ở mức 5,4%, giảm so với mức cao nhất ghi nhận vào tháng 4/2020 là 14,8% nhưng còn xa so với trước đại dịch. Vào tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 3,5.

Tin hiệu chính sách của Chủ tịch Fed được cho là ôn hòa hơn so với trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở Fed (FOMC) vào tháng trước. Quan điểm của ông Powell cũng thận trọng hơn so với các thành viên khác khi nói về tapper. Điều đó giúp thị trường ổn định, làm hài lòng các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro (chứng khoán) lẫn các nhà đầu tư có xu hướng thích an toàn (vàng).

Giống như thị trường chứng khoán, thị trường vàng thích các chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, vàng đang bị mắc ở dưới ngưỡng cản 1.820 USD/ounce. Các chuyên gia trên Kitco cho rằng, trừ khi vàng vượt lên khỏi vùng 1.820-1.825 USD/ounce thì sẽ không bị rơi trở lại xuống vùng 1.750-1.720 USD/ounce.

Hiện tại, vàng đang chờ xu hướng. Sự chú ý sẽ tập trung vào biến động của đồng USD trong tuần tới, qua đó giúp đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Thị trường chứng khoán Mỹ được đánh giá sẽ chinh phục các đỉnh cao mới nhờ sự kỳ vọng vào việc mở cửa trở lại một cách vững chắc của nền kinh tế số 1 thế giới, khi Mỹ chính thức phê duyệt vaccine Pfizer và số ca nhiễm biến thể Delta có dấu hiệu đạt đỉnh. Một số hãng dược phẩm cho biết, mũi tiêm bổ sung vaccine ngừa Covid-19 cho kết quả đầy hứa hẹn, làm tăng đáng kể kháng thể chống lại virus..

M. Hà

Quyền lực Mỹ hành động đảo ngược, thế giới lập tức chao đảo

Quyền lực Mỹ hành động đảo ngược, thế giới lập tức chao đảo

Cơ quan quyền lực của nước Mỹ bất ngờ đảo chiều quan điểm chính sách tiền tệ sau những tín hiệu bất thường từ nền kinh tế. Thị trường tài chính, chứng khoán và hàng hóa thế giới biến động mạnh.