Để cân bằng lại các nỗ lực hiện đại hóa của quân đội TQ, kế sách tốt nhất mà Mỹ - Nhật có thể làm là tìm ra các địa hạt có thể bắt tay với nhau.

>> Người Nhật khác biệt đến mức nào?

>> Nhật Bản và quá trình 'cắt đứt' đau đớn với TQ

>> Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ 'bênh' Nhật?

>> Vùng phòng không: TQ muốn 'khiêu' Nhật, kiềm Mỹ

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm của một nghị sĩ Mỹ, bàn về mối quan hệ Mỹ - Nhật trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Suốt bảy thập kỷ qua, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là viên đá tảng cho hòa bình tại châu Á. Nhưng chưa bao giờ quan hệ này lại mang tính sống còn như bây giờ.

Hai quốc gia đã cùng nhau giúp mở ra một thời kỳ hòa bình và thịnh trị trong khu vực trước đó đầy xung đột dai dẳng và nghèo đói. Mỹ và Nhật từng sát cánh bên nhau để ngăn ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực, nay đã hình thành nên một trong những quan hệ đồng minh bền chặt nhất trong thời kỳ hiện đại.

Giờ đây, khi châu Á có tầm quan trọng trong quan hệ quốc tế, liên minh này từ đó sẽ phải đảm nhận vai trò trong việc hình thành nên cấu trúc an ninh trong khu vực. Đặc biệt hơn, sức mạnh của liên minh sẽ giúp quyết định chiều hướng của khu vực trong quan hệ với Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Cuối năm qua, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông là một phép thử nữa cho quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, và rộng hơn là mong muốn duy trì cam kết của Mỹ trong khu vực.

Ngoài việc liên tục tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, báo chí Bắc Kinh còn khẳng định rằng toàn bộ chuỗi đảo Okinawa là lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc cũng thường xuyên 'tuần tra' vùng biển và không phận tại vùng biển tranh chấp với Nhật.

Với Mỹ thì điều đang lâm nguy trong khu vực này không phải là các quyền hàng hải hay không phận, mà là một loạt các nguyên tắc dựa trên pháp luật mà Mỹ đã thúc đẩy và giữ gìn ở châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nếu để cho Trung Quốc thách thức hay thay đổi các nguyên tắc đó, Bắc Kinh sẽ gây thêm sức ép cho tới khi nào những cam kết như "tự do đi lại" hoặc "dàn xếp các bất đồng một cách hòa bình" chỉ còn là những cụm từ lạc hậu.

Tôi coi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh đang nổi lên trong thời bình; nó đòi hỏi một liên minh Mỹ - Nhật mạnh mẽ hơn để tác động thẳng lên việc hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sao cho tuân thủ theo trật tự dựa trên luật pháp của khu vực.

{keywords}
Tại căn cứ không quân Yokota của Nhật Bản. Ảnh: Courtesy Reuters/Yuya Shino

Cụ thể, Tokyo đang đi ngược xu hướng siết chặt chi tiêu cho quốc phòng ở nhiều nền dân chủ, đồng thời còn mạnh tay cho các tiềm lực khác, như đầu tư vào kiểm soát vùng biển, phương tiện đi lại... để đảm bảo lợi ích cho các quần đảo. Thêm vào đó, Tokyo còn lập nên Hội đồng An ninh Quốc gia và một cơ quan nghiên cứu quốc phòng tương tự với của Lầu Năm Góc. Nhật Bản đang tự định vị là một chỗ dựa cho sự ổn định ở Đông Bắc Á.

Washington cần củng cố lại vị thế quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương với những ý tưởng và công nghệ mới nếu muốn bắt nhịp với các nguồn đầu tư vào chiến lược 'chống xâm phạm' của Bắc Kinh. Muốn vậy, trước tiên Mỹ cần có học thuyết và các tư duy tác chiến mới, như là Chiến tranh trên không và trên biển cho phép các lực lượng tác chiến hiệu quả hơn trong các môi trường gây tranh cãi.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng Mỹ phải đầu tư vào các nền tảng như tàu ngầm, các tiềm lực đổ bộ tấn công, và một nhóm các hệ thống lan tỏa sức mạnh. Sau cùng, Washington cần nuôi dưỡng các công nghệ như súng điện từ, súng phóng năng lượng trực tiếp, công nghệ siêu âm và chiến tranh số.

Có lẽ để cân bằng lại các nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, kế sách tốt nhất mà Mỹ - Nhật có thể làm là tìm ra các địa hạt có thể bắt tay với nhau, kết hợp các thế mạnh cạnh tranh, nhắm vào các điểm yếu mà Trung Quốc chưa thể khắc phục được ngay. Khi coi việc cân bằng quân sự là một cuộc ganh đua mở rộng trong thời bình, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật có thể tìm ra những lĩnh vực khiến chiến lược quân sự của Trung Quốc phải trả giá và thay đổi cán cân quyền lực theo nhiều hướng có lợi cho Mỹ về lâu dài.

Một trong những lĩnh vực đó là chiến tranh ngầm vì đây là những thế mạnh mà Washington và Tokyo vẫn vượt trội hơn so với tiềm lực chiến tranh chống ngầm (ASW) còn non nớt của Trung Quốc. Bảo vệ và đầu tư vào cuộc đua dưới lòng biển cùng với hạm đội tàu ngầm lớn mạnh hơn, công nghệ định vị tàu ngầm mới, và các thiết bị không người lái dưới biển có thể đẩy Trung Quốc phải thay đổi tư thế của mình, và đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực hơn vào các tiềm lực ASW để đối trọng lại.

Hơn nữa, các nỗ lực của Bắc Kinh để sử dụng nhiều hình thức ép buộc đòi hỏi sự phối hợp lớn hơn nữa tại Washington, bao gồm việc hình thành nên một chiến lược quốc gia chính thể cho cả khu vực.

Sau cùng, Mỹ và Nhật cần tìm cách để phát huy tốt hơn nữa niềm tin và hợp tác giữa các đồng minh của Mỹ và các đối tác trong khu vực.

Thách thức từ một Trung Quốc trỗi dậy và quả quyết nên được coi là chất xúc tác cho các quốc gia tiếp lại sinh lực cho quan hệ liên minh của mình, buộc Tokyo phải tiến hành các cải cách an ninh quốc gia quan trọng và khiến Mỹ phải giải quyết những vấn đề dai dẳng trong cam kết của họ đối với khu vực về lâu dài. Tôi thấy rõ ràng là một quan hệ đối tác Mỹ - Nhật mạnh mẽ chính là cách chắc chắn nhất để đảm bảo ổn định và thịnh vượng tại châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới.

Lê Thu (theo Diplomat)

----

Tác giả bài viết, Nghị sĩ J. Randy Forbes hiện đang là chủ tịch của một ủy ban về lực lượng vũ trang trên biển của Hạ viện Mỹ, và là đồng lãnh đạo cơ quan giám sát châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Lực lượng vũ trang trong Quốc hội Mỹ.