Quân đội Mỹ đang phát triển một loại máy bay phản lực siêu thanh, có thể bay vút trong không trung với tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh và nhanh hơn cả một viên đạn, vốn thường bắn ra khỏi nòng với tốc độ Mach 2 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh).
Hình ảnh mô phỏng mẫu máy bay siêu âm X-51A của Mỹ. Ảnh: Daily Mail |
Theo trang Military.com, mẫu máy bay siêu thanh mới của quân đội Mỹ có thể chính thức cất cánh vào năm 2023. Nó được chế tạo dựa trên nghiên cứu chuyến bay thử nghiệm năm 2013 của một phi cơ siêu thanh thí nghiệm - X-51A Waverider.
Mỹ đã xúc tiến chương trình X-51A trị giá 300 triệu USD vào năm 2004. Chuyến bay thử nghiệm cuối cùng thuộc chương trình này đã diễn ra vào ngày 1/5/2013, khi chiếc máy bay không người lái Waverider đạt vận tốc tối đa Mach 5,1 (hơn gấp 5 lần vận tốc của âm thanh) chỉ trong hơn 6 phút, trước khi được cố ý cho đâm xuống Thái Bình Dương. Vào thời điểm đó, các quan chức Không quân Mỹ nói, đó là chuyến bay dài nhất của một máy bay siêu âm thuộc dạng này.
Trong chuyến bay thử nghiệm năm 2013, máy bay phản lực siêu âm được thả từ một phi cơ ném bom chiến lược B-52H Stratofortress ở độ cao 15.000 mét. Sau khi phân tách, chiếc Waverider tăng tốc tới vận tốc Mach 4,8 chỉ trong 26 giây nhờ một tên lửa đẩy. Máy bay sau đó tách khỏi tên lửa ở độ cao 18.300 mét và cuối cùng đạt vận tốc cực đại Mach 5,1 nhờ động cơ phản lực tĩnh siêu âm của chính nó.
"X-51 thực sự là bằng chứng cho việc thử nghiệm ý tưởng. Nó cho thấy, bạn có thể có một động cơ phản lực tĩnh siêu âm, phóng nó từ trên máy bay và nó có thể di chuyển với tốc độ siêu âm. Nó có thể đạt được tốc độ hơn Mach 5 cho tới khi cạn kiệt nhiên liệu. Đó đã là một thí nghiệm hệ thống vũ khí siêu âm trên không vô cùng thành công", Mica Endsley, nhà khoa học hàng đầu của Không quân Mỹ, nói.
Tuy nhiên, máy bay siêu âm thế hệ tiếp theo của quân đội Mỹ thậm chí sẽ còn tiến xa hơn nữa, chuyên gia Endsley cho biết thêm. Lần này, các kỹ sư trong Không quân và Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển quốc phòng (DARPA) của nước này sẽ tính đến cả các loại vật liệu có thể phát huy tốt ở vận tốc siêu âm và các hệ thống dẫn đường đủ thông minh để hướng các máy bay đi đúng hướng nhanh hơn.
DARPA đang thực hiện nhiều dự án nhằm nghiên cứu về các khả năng của việc bay siêu âm. Cách đây nhiều năm, cơ quan này đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm siêu âm với một máy bay ném bom HTV-2 và năm 2011, mẫu máy bay này đã đạt vận tốc tối đa Mach 20 trước khi mất kiểm soát. Không quân Mỹ cũng tiết lộ đang theo đuổi các vũ khí siêu âm, có thể được bắn từ trên máy bay đang di chuyển tốc độ cao.
Ngoài ra, năm 2014, DARPA đã tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình máy bay không gian thử nghiệm (XS-1) của họ, một sáng kiến nhằm phát triển máy bay không gian quân sự, phục vụ việc phóng các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo. Các hãng Boeing, Masten Space Systems và Northrop Grumman đều đang được tài trợ trong dự án này. DARPA hy vọng, điều đó có thể mang đến nền tảng cho các hạm đội máy bay siêu âm trong tương lai.
Tuấn Anh (Theo Live Science)