Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "mọi khả năng đều được tính tới" nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, làm cách nào để giải quyết được vấn đề mà không làm bùng phát một cuộc chiến lớn.
Theo các chuyên gia phương Tây, hiện có một số giải pháp như sau.
Ngoại giao
Với một số nhà phân tích, những hành động khiêu khích của Triều Tiên chính là "lời kêu gọi để được công nhận". "Hãy đối xử với Triều Tiên bình đẳng", Daily Mail dẫn nhận xét của các nhà phân tích. Nhượng bộ là không có tác dụng.
Trong bất cứ trường hợp nào, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đòi hỏi ngừng phát triển tên lửa theo cách có thể kiểm chứng, điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không dễ dàng chấp nhận.
Trừng phạt
Nếu bị ép tới cùng, ông Kim Jong Un sẽ buộc phải lựa chọn giữa kinh tế và hạt nhân. Hiện Hội đồng Bảo an, gồm cả Trung Quốc và Nga, liên tục ủng hộ trừng phạt kể từ khi Bình Nhưỡng bắt đầu các vụ thử tên lửa và hạt nhân từ cách đây một thập niên.
Đầu tháng này, Liên Hợp Quốc bắt đầu đẩy mạnh trừng phạt hiện có với một lệnh cấm quốc tế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Triều Tiên. Trung Quốc và Nga có thể kiềm chế Triều Tiên nếu hai nước lần lượt cắt quan hệ thương mại và vận tải với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, do hơn 90% lượng hàng hóa xuất của Triều Tiên là đi qua Trung Quốc, nếu trừng phạt mạnh hơn, Trung Quốc sẽ thiệt hại về tài chính và kinh tế Triều Tiên sụp đổ. Cho dù đã lường trước hậu quả, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ra một cái giá đắt cho Tổng thống Trump.
Trên thực tế, việc trừng phạt được thực hiện rất chậm chạp. Mất hàng chục năm trừng phạt mới ép được Iran đi tới một thỏa thuận mà tới giờ Israel và Mỹ vẫn không mấy tin tưởng. Vậy, liệu một thỏa thuận với Triều Tiên có đáng tin hơn không?
Tấn công có giới hạn
Mỹ có một hạm đội tàu sân bay và một loạt căn cứ không quân ở Hàn Quốc, Nhật và đảo Guam để từ đây có thể triển khai các vụ tấn công Triều Tiên. Với hỏa lực như vậy, Mỹ có thể phá hủy các điểm bắn pháo và cơ sở hạ tầng hạt nhân quân sự của Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đã chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc không kích hơn bao giờ hết.
Triều Tiên có nhiều bệ phóng di động để có thể di chuyển và che giấu tên lửa. Ngoài ra, các tên lửa mới của nước này lại là loại nhiên liệu rắn, vì thế, Triều Tiên có thể mau chóng phóng tên lửa trả đũa nhằm vào Seoul, nơi có 10 triệu người đang sinh sống.
Do đó, không thể xử lý Triều Tiên bằng một cuộc không kích lớn. Vì vậy, lực lượng đặc nhiệm sẽ phải tiến hành tấn công và kết quả một cuộc chiến tổng lực là không thể tránh khỏi.
Xâm chiếm
Dù được trang bị tốt hơn Triều Tiên nhưng Mỹ cần phải triển khai một lực lượng lớn tới Hàn Quốc để đảm bảo thắng lợi thần tốc. Cuộc chiến ở Triều Tiên sẽ buộc lục quân và lính thủy đánh bộ tham gia, nếu 650.000 quân của Hàn Quốc không tham chiến.
Tuy nhiên, hiện Seoul vẫn còn ngần ngừ trước quyết định tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên. Cuộc tấn công cũng khiến nước này đứng trước đe dọa bị phá hủy ngay tức khắc.
Trung Quốc cũng là một yếu tố. Bắc Kinh luôn lo ngại sẽ trở thành mục tiêu nếu Mỹ có bất cứ hành động quân sự nào ở khu vực. Nếu Mỹ quyết định hành động đơn độc, thì nguy cơ một cuộc chiến lớn sẽ nổ ra.
Tấn công hạt nhân
Đây là một trong những giải pháp "không ngờ tới" mà một số nhân vật ở Washington đang cân nhắc: Sử dụng sức mạnh hạt nhân để tiêu diệt Triều Tiên.
Tuy nhiên, một cuộc tấn công như vậy sẽ giết hại hàng triệu người Triều Tiên, đánh động các đồng minh châu Âu của Mỹ và châm ngòi cho việc chi tiêu khủng cho quốc phòng của những ông lớn như Trung Quốc và Nga...
- Hoài Linh
Điệp viên Triều Tiên "sập bẫy" Ukraina thế nào?
Chính quyền Ukraina mới đây đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh hai điệp viên Triều Tiên bị bắt quả tang ăn trộm thứ mà họ tưởng là bản vẽ tên lửa tối mật.
Số phận những lính Mỹ đào ngũ sang Triều Tiên
Sau cuộc chiến liên Triều, có tổng số 5-6 lính Mỹ được cho là đào ngũ sang Triều Tiên.
Vén màn bí mật siêu vũ khí hạt nhân Mỹ
Nằm sâu dưới nhiều tầng đất ở Montana, phía tây bắc nước Mỹ là 150 tên lửa hạt nhân Minuteman III. Tất cả đều có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Uy lực của tàu ngầm mang được 200 đầu đạn hạt nhân
Tàu ngầm lớn nhất thế giới không phải được đóng ở Mỹ, mà là ở xưởng đóng tàu Liên Xô. Đó là tàu ngầm hạng Akula, hay còn được gọi là Project 941.