Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, giá trị kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu quý I/2019 đạt 7,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm nhập khẩu tăng mạnh là ngô, sản phẩm chăn nuôi, phân ure. Sản phẩm nhập khẩu giảm là thuốc trừ sâu, các loại nông sản chính.
Ở chiều ngược lại, tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 3,3 tỷ USD. Theo đó, lũy kế 3 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong quý I/2019, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ. Duy chỉ có mặt hàng thủy sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 0,5% và lâm sản tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Quý I/2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản bất ngờ tăng trưởng âm |
Như vậy, kết quả xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ba tháng đầu năm giảm 2,9% so với cùng kỳ, chỉ bằng 94,6% so với kịch bản tăng trưởng của quý I/2019 mà ngành này đề ra.
Theo Bộ NN-PTNT, những thay đổi về mặt chính sách của Trung Quốc thời gian qua cũng như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một phần nguyên nhân khiến xuất nông lâm thủy sản Việt Nam quý I/2019 tăng trưởng âm.
Trước đó, tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tổ chức vào đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng nhận định, năm 2019 được đánh giá là năm rất khó khăn với sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nguyên nhân là do thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Theo đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đặc biệt là Trung Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, việc xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
“Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Thêm nữa, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.
B.H