Lãnh đạo phe đối lập tại
Myanmar Aung San Suu Kyi đã nhận được cuốn hộ chiếu đầu tiên trong 24 năm, trước
chuyến công du nước ngoài hiếm hoi tới Na Uy và Anh.
Ủng hộ cải cách, Nhật sẽ xóa nợ cho Myanmar
Myanmar: Suu Kyi xuất ngoại lần đầu sau 24 năm
“Bước ngoặt” Anh dành cho Myanmar
Lãnh đạo phe đối lập tại Myanmar Aung San Suu Kyi. Ảnh: heraldsun |
Một trợ lý của bà Aung San Suu Kyi là Htin Kyaw cho biết, hộ chiếu do Bộ Nội vụ Myanmar cung cấp.
Bà Aung San Suu Kyi đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu sau những thay đổi chính trị gần đây tại Myanmar. Cũng trong làn sóng cải cách này, bà đã tham gia và trúng cử vào quốc hội khóa mới ở quốc gia Đông Nam Á. Đảng của bà - Liên minh Quốc gia vì Dân chủ đã giành 43 ghế trong cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua.
Hộ chiếu của bà Suu Kyi có giá trị ba năm. Bà chưa từng sở hữu hộ chiếu lần nào kể từ khi rời Anh trở về Myanmar năm 1988. Sau khi trở thành lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ ở nước này, Suu Kyi bị quản thúc tại gia nhiều năm dưới chế độ quân sự cầm quyền. Chính vì vậy, bà không được tham dự lễ trao giải Nobel hòa bình năm 1991 tại Na Uy. Hiện bà có kế hoạch thăm Na Uy vào tháng 6.
Trong đôi lúc được tự do, bà Suu Kyi đã từ chối những cơ hội ra nước ngoài vì sợ không được chấp thuận trở lại Myanmar và cũng không tới thăm người chồng tại Anh Michael Aris trước khi ông mất năm 1999. Lần cuối cùng họ gặp là năm 1995, sau đó, chính quyền quân sự Myanmar từ chối cấp thị thực cho chồng bà Suu Kyi.
Kể từ khi được tự do năm 2010, nhiều chính phủ nước ngoài đã mời lãnh đạo phe đối lập tới thăm. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã mời bà Suu Kyi tới thăm trụ sở LHQ ở New York, nơi bà từng làm việc.
Trong chuyến thăm ngắn ngủi ở Myanmar hồi tháng 4, Thủ tướng Anh David Cameron đã mời bà Suu Kyi tới thăm Anh và nói rằng, sẽ là dấu mốc quan trọng nếu bà rời khỏi Myanmar và được phép trở lại thực hiện nhiệm vụ của mình như một nhà lập pháp.
Ông Cameron công khai đề nghị bà tới thăm Anh tháng 6 để nhìn thấy "Oxford thân yêu" nơi bà từng theo học những năm 1970. Bà Aung San Suu Kyi đã trả lời: "Cách đây hai năm, tôi sẽ nói cám ơn vì lời mời nhưng tôi không thể. Nhưng giờ đây tôi nói có lẽ sẽ tới, và đó là tiến bộ lớn".
Myanmar đang theo đuổi những thay đổi bước ngoặt nhằm thay đổi hình ảnh đất nước và thu hút sự đầu tư nước ngoài sau năm thập niên dưới sự lãnh đạo quân sự cứng rắn. Những cải cách bao gồm cả các biện pháp bất ngờ trong vài tháng qua như phóng thích tù chính trị, dỡ bỏ các hạn chế với Internet và mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài...
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển gần đây đã có những phản ứng tích cực trước những nỗ lực cải cách chính trị, kinh tế, xã hội của Myanmar. Nhật Bản cho biết sẽ từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách dân chủ và kinh tế của Myanmar. Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm và tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Australia cũng sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính.
Liên minh châu Âu gần đây cũng đã quyết định ngừng các biện pháp cấm vận đối với Myanmar trong vòng một năm, trừ cấm vận vũ khí. Theo phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton, mục tiêu của khối là ủng hộ những tiến bộ “không thể đảo ngược” ở quốc gia Đông Nam Á. Động thái này chắc chắn mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đây hoạt động.
Thái An (theo New York Times)