“Trong năm 2016, các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn đang chờ đón chúng ta như mùa mưa đến muộn hơn, rất nhiều thiên tai có tính chất cục bộ như giông, tố lốc..."

{keywords}
Ông Lê Thanh Hải – Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Đó là thông tin ông Lê Thanh Hải – Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ về dự báo thời tiết trong năm 2016 vào sáng nay (26/1).

- Vừa qua miền Bắc và khu vực Trung Trung Bộ đã trải qua những ngày mưa rét kỷ lục, băng giá và mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Thậm chí có những nơi rất hiếm có băng tuyết như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An) băng tuyết cũng phủ trắng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến trận giá rét kỷ lục này?

- Tất cả các đợt lạnh ở Việt Nam đều do áp cao lạnh Siberia (Nga) lấn xuống, nhưng đây đạt đủ 3 điều kiện: Vùng áp thấp gần eo biển Bering hoạt động rất sâu; thứ 2 là áp cao lạnh Siberia hoạt động với cường độ mạnh kỷ lục; thứ 3 là không khí trên cao có 1 rãnh thấp ở phần đông của lục địa Châu Á xuống rất sâu tạo điều kiện khối không khí lạnh từ Siberia xâm nhập xuống Trung Quốc và sau đó xâm nhập đến Việt Nam và gây ra đợt rét kỷ lục. Chúng ta có thể nói là chưa từng gặp đợt rét như vậy trong lịch sử gần đây.

- Được biết, năm 2015 nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino mạnh và kéo dài gây nắng nóng, hạn hán, cạn kiệt ở mức khốc liệt. Chúng ta đã có 1 mùa Thu rất nóng, mùa Đông đến muộn và ấm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Vậy, tại sao chúng ta lại có trận rét kỷ lục như vừa qua?

- El-Nino đồng nghĩa với mưa ít, nhiệt độ cao, chúng ta thấy là cả năm 2015 vừa qua nhiệt độ rất cao, nhiều nắng nóng cũng rất ít mưa so với TBNN. Nhưng El-Nino không có nghĩa là không có những đột biến, mà đột biến dễ thấy nhất là trận mưa lịch sử ở Quảng Ninh và cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015. Trong bối cảnh là El-Nino nhưng nước ta vẫn lại có trận mưa lịch sử như vậy. Đợt lạnh này cũng nằm trong bối cảnh của hiện tượng El-Nino kết hợp với Biến đổi khí hậu, gia tăng những sự cực đoan: nóng càng nóng hơn, lạnh càng lạnh hơn, mưa cục bộ cũng nhiều hơn, hạn hán cục bộ cũng lớn hơn.

- Ông có thể đưa ra nhận định về xu thế diễn biến khí tượng thủy văn ở nước ta trong năm 2016?

- Hiện tượng El-Nino khởi phát từ cuối năm 2014, đã tác động mạnh trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa Đông – Xuân, sau đó khả năng có xu hướng giảm dần về cường độ vào những tháng đầu mùa hè năm 2016. Dưới tác động của El-Nino nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với TBNN. Diến biến có thể theo chiều hướng ít hơn về số lượng vào đầu mùa nhưng tồn tại bão cường độ mạnh và nhiều hơn khi ENSO (ENSO do 2 hiện tượng El-Nino/La Nina (đại Dương) và SO (khí quyển) xảy ra trên xích đạo Thái Bình Dương có quan hệ mật thiết với nhau nên chúng liên kết thành 1 hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO) trở lại trạng thái trung gian.

Nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5-1,0 độ C ở Bắc Bộ và từ 1,0-1,5 độ C ở Trung Bộ, Nam Bộ. Rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ không kéo dài và nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm so với TBNN ở Tây Bắc, Trung Bộ, Nam Bộ.

Tháng 2/2016 cũng được dự báo là ấm hơn, dịp Tết này ít có khả năng có những đợt rét kỷ lục như vừa rồi mà chỉ là có những đợt rét vừa và rét đậm ở vùng núi. Các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn có thể xảy ra trong năm 2016 như: bão sẽ ít hơn, mùa mưa đến muộn hơn, rất nhiều thiên tai có tính chất cục bộ như giông tố lốc, hạn hán, xâm nhập mặn…Có thể nói là rất nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan đang chờ đón chúng ta trong năm 2016. Biến đổi khí hậu đã gây ra rất nhiều các hiện tượng cực đoan, mà thời tiết cực đoan sau lại xảy ra càng mạnh mẽ hơn: lạnh sẽ lạnh hơn, nóng sẽ nóng hơn, mưa sẽ ít hơn, hạn hạn khốc liệt hơn.

Tóm lại, mặc dù ít bão, lũ lớn nhưng diễn biến thời tiết ở nước ta trong năm 2015 rất phức tạp và có thể tóm lược như sau: El-Nino mạnh và kéo dài gây nắng nóng, hạn hán, cạn kiệt ở mức khốc liệt, mưa trái mùa gây lũ lớn và nhiều giông lốc, mưa lớn ở mức kỷ lục. Trong nửa đầu nằm 2016, có khả năng mùa Đông khô, ấm ở Bắc Bộ, thiếu hụt mưa, dòng chảy dẫn đến hạn hán khốc liệt ở Trung Bộ, Tây Nguyên và khả năng xâm nhập mặn lớn, sâu ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi hiện tượng ENSO trở lại trạng thái trung gian sẽ dẫn đến mùa mưa nhiều bão, lũ ở nước ta vào nửa cuối năm 2016.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT: