Cuối tháng 12/2018, quỹ Vision Fund của SoftBank công bố sẽ tiếp tục đầu tư vào các “kỳ lân công nghệ” châu Á. Quỹ đang có kế hoạch rót tối đa 1,5 tỷ USD vào dịch vụ đi chung xe hàng đầu Đông Nam Á – Grab. Vài ngày sau, ngay trong ngày Giáng sinh, trên DealStreetAsia đã đăng một bài viết làm những gã khổng lồ thị trường công nghệ Đông Nam Á và Việt Nam không khỏi toát mồ hôi hột khi Grab hướng tới một vòng gọi vốn quy mô tới 5 tỷ USD trong vòng gọi vốn series H.
Vậy Grab cần 5 tỷ USD để làm gì? Theo các chuyên gia về thương mại điện tử và các ứng dụng chia sẻ thì Grab có ít nhất 2 mục tiêu: Đầu tiên rõ ràng là Grab muốn tận diệt đối thủ cạnh tranh, đặc biệt những kẻ bám đuổi tham vọng. Thứ hai là để mở rộng bành trướng khắp các mảng từ chở người, chở hàng, cho tới tới các mảng O2O (Online to Offline Commerce), mà đó đều là những “vùng đất lạ”.
Theo ông Trường Bomi, CEO của Ahamove và Lalamove, lý do tại sao Grab lại nhảy vào “vùng đất lạ” này, vì tương lai thương mại điện tử nằm ở đó. O2O hay Online-to-Offline Commerce là mô hình tạo ra trải nghiệm xuyên suốt giữa mua hàng truyền thống tại cửa hàng và khám phá - trải nghiệm - mua hàng trực tuyến (ngoại tuyến). Nó là sự kết nối của một chuỗi những nhân tố thú vị để kết nối người mua sắm hiện đại và những người bán hàng có tầm nhìn trong thế giới mới.
O2O sẽ là tương lai của nền thương mại điện tử mới mà các ông lớn công nghệ đang tăng tốc đầu tư. |
Vậy những nhân tố đó là gì? Hiện người Việt ở các thành phố lớn đã làm quen với các nền tảng kết nối giữa người bán và người mua các loại dịch vụ tiêu dùng hàng ngày (các O2O Demand Platform). Sôi động nhất là nền tảng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn với sự nhập cuộc của gần 10 các ứng dụng như: GrabFood (Grab), Now (SEA), Lala (Seedcom), trên thế giới thì khá nhiều các tên tuổi nổi lên từ các siêu ứng dụng giao hàng như UberEats, Doordash, Deliveroo, Meituan. Dịch vụ giúp việc có JubViec, dịch vụ massage có GoMassag, dịch vụ chăm sóc sức khỏe có WeFit.
Một nhân tố không thể không kể đến trong chuỗi nhân tố thương mại điện tử mới là các Logistics Platform như AhaMove, Grab (Food, Express), Săn Ship, Lalamove sắp tới là Go Việt hay Be sẽ nhảy vào lĩnh vực giao hàng tức thời cho thương mại điện tử.
Người mua hàng online có thể dễ dàng hơn nếu như có những nền tảng thanh toán tiện lợi, hiện nay đã xuất hiện một loạt ví điện tử hỗ trợ người dùng thanh toán như: Momo, Airpay, GrabPay, ZaloPay.
Theo dự báo, trong năm 2019, VinID của Tập đoàn Vingroup cũng sẽ được đầu tư mạnh và chính thức tham chiến lĩnh vực thanh toán điện tử, với sự nhập cuộc của đại gia Vingroup sự bùng nổ của các ví điện tử nhằm hướng tới một nền kinh tế phi tiền mặt, kích thức thương mại điện tử O2O tăng tốc. Thương mại điện tử còn có sự tham gia của các nền tảng khác đóng vai trò cổng kết nối quản trị mua bán như hệ thống POS: iPOS, KiotViet, Ocha, CukCuk,...
Để thấy sức hút của thị trường thương mại điện tử O2O, hãy nhìn vào một công ty được coi là hình mẫu Meituan Dianping. Công ty công nghệ của Trung Quốc được thành lập năm 2010, định giá 30 tỷ USD vào tháng 10/2017. Và chỉ chưa tới 1 năm sau đã niêm yết sàn chứng khoán Hong Kong với giá trị 55 tỷ USD. Câu hỏi nhiều người đặt ra là Meituan Dianping đã làm gì?
Meituan Dianping chính là nền tảng kết nối giữa người mua và người bán trong thế giới Internet, và sự lên ngôi của mobile xâm nhập vào từng hơi thở cuộc sống của người dân từ thành thị tới nông thôn. Về phía người bán, Meituan Dianping, cung cấp giải pháp quản trị dữ liệu khách hàng, giao dịch, tồn kho, nhân sự,... giúp tích hợp với các nền tảng thanh toán trực tuyến hay giao hàng. Về phía người mua, Meituan Dianping, cung cấp những dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống như giao đồ ăn thức uống, đi lại, du lịch, giải trí...
Mô hình như Meituan đang nổi như cồn, dậy sóng thị trường và khiến người dùng thay đổi hành vi hoàn toàn mà một thập kỷ trước khó ai tưởng tượng ra. Cùng với WeChat, họ tạo nên xu hướng Super App (nền tảng khổng lồ), và lan rộng ra khắp Đông Nam Á.
Theo ông Trường Bomi, ở Việt Nam, Grab, Go-Viet (con đẻ của Go-Jek), Now (con đẻ của SEA) đã định vị là Super App. Với một góc nhìn khác, Momo hay Zalo cũng là những Super App. Và sẽ còn những cái tên khác nữa... Đây đều là những công ty có tiềm lực lớn mạnh về công nghệ, tài chính, năng lực vận hành. Và tất cả đang trong một dòng xoáy lớn O2O với quy mô và tốc độ khủng khiếp.