Phần cứng trên smartphone hiện đại là quá đủ tốt để sử dụng trong nhiều năm. Nhưng thay vì thông số lỗi thời, chính việc thiếu các bản cập nhật, hoặc màn hình hay pin bị hỏng mới là rào cản trong việc sử dụng máy lâu dài.
Theo dữ liệu từ Hyla Mobile, thời gian trung bình mà một chiếc smartphone được sử dụng tính trong Q3 năm 2021 là khoảng 3,32 năm. Con số này tăng từ 3,13 năm trong quý 3 năm 2020 và lâu hơn nhiều so với 2,36 năm trong quý 3 năm 2016.
Nói cách khác, 5 năm qua người tiêu dùng giữ điện thoại của họ trung bình ngày càng lâu hơn.
Tuy người dùng đã giữ điện thoại lâu hơn, nhưng ba năm lại là khoảng thời gian vượt quá mức mà hầu hết các nhà sản xuất hứa sẽ cập nhật điện thoại của họ.
Ba năm nâng cấp hệ điều hành vẫn là mặc định đối với nhiều mẫu flagship, đối với các thiết bị tầm trung và giá cả phải chăng, thời gian này có thể còn ít hơn nữa.
Apple và Samsung là những nhà sản xuất smartphone cung cấp hỗ trợ lâu dài nhất. Samsung hứa hẹn 4 năm cập nhật hệ điều hành và 5 năm nâng cấp bảo mật cho các smartphone hàng đầu và trung cấp gần đây của hãng. Các thương hiệu khác không cam kết lâu dài như vậy.
Với việc người dùng lưu giữ ngày càng nhiều dữ liệu cá nhân và cả thông tin nhạy cảm trên thiết bị của họ, bao gồm thông tin sinh trắc học, thông tin ngân hàng, nhu cầu giữ cho smartphone bảo mật khi họ đang sử dụng là hoàn toàn cần thiết.
Nhưng các thương hiệu nên nhìn xa hơn các bản vá bảo mật cơ bản, đảm bảo rằng smartphone của họ luôn cập nhật các tính năng mới trong suốt vòng đời của chúng. Kết hợp với dịch vụ sửa chữa tốt hơn, smartphone hiện đại sẽ có tuổi thọ gần 5 năm. Đáng tiếc, rất ít thương hiệu gần đạt được những tiêu chí này.
Hiệu suất được cho là động lực chính dẫn đến việc mua smartphone mới. Tuy nhiên bất kỳ mẫu smartphone hàng đầu nào trong ba hoặc bốn năm trở lại đây và các mẫu tầm trung từ khoảng 2 năm vẫn sẽ hoạt động tốt đối với phần lớn các tác vụ di động thường nhật. Thay vào đó, các thành phần khác, chẳng hạn như pin, mới là thứ có sự xuống cấp nhanh hơn nhiều.
Theo các bài đánh giá của AndroidAuthority, Qualcomm Snapdragon 8 Gen 1 và Samsung Exynos 2200 mới nhất đã cho thấy sự chậm tiến bộ trên hiệu năng của các chip xử lý. Nếu hiệu suất đã ở mức "đủ tốt", có lẽ các nhà thiết kế chip nên tập trung vào mức độ tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ lâu dài.
Chậm đổi mới, nhưng giá luôn ở mức cao nhất mọi thời đại
Có vẻ như sự chậm đổi mới không chỉ dừng lại ở chip. Âm thanh, camera, màn hình và vô số các tính năng khác đã không thay đổi mạnh mẽ trong vài năm qua, chỉ có một số ngoại lệ như màn hình gập. Ngay cả 5G cũng không phải là tính năng thay đổi cuộc chơi như nó đã được quảng cáo rầm rộ. Khả năng sạc là đấu trường duy nhất có những thay đổi đáng kể hàng năm. Nhưng ngay cả như thế, chúng ta chỉ có thể cải tiến về thời gian sạc, trong khi thời gian sử dụng là thứ quan trọng hơn nhiều.
Điều này không có nghĩa là smartphone không cải tiến hàng năm; cải tiến có thể được tìm thấy trên tất cả các khía cạnh, từ camera đến màn hình. Tuy nhiên, những cải tiến này là nhỏ hơn so với 5 năm trước đây. Ngày nay, smartphone có thể tồn tại tốt hơn với thời gian và ngày càng ít cải tiến nổi bật hơn, và những cải tiến nhỏ lại khiến chi phí ngày càng cao hơn.
Camera là một ví dụ. Không gian hạn chế, kết hợp với chi phí của các hệ thống nhiều thấu kính chất lượng cao, đã dẫn đến sự khan hiếm các cải tiến phần cứng ấn tượng trong hai hoặc ba năm qua. Ngay cả chiếc Xperia Pro I tập trung vào nhiếp ảnh cực kỳ đắt tiền của Sony cũng không thật sự để lại dấu ấn. Đồng thời, nhiếp ảnh điện toán đã giúp các công ty mang đến chất lượng ảnh tốt với ít đầu tư phần cứng hơn, ví dụ như dòng Pixel 6 của Google.
Giá smartphone flagship giờ đây có thể vượt quá 1.400 USD, sau khi chỉ vừa vượt qua mốc 1.000 USD vào năm 2018. Không nhiều người tiêu dùng có thể đủ khả năng chi hơn 1.000 USD cho một chiếc flagship hai năm một lần và có rất ít động lực để làm như vậy khi thiết bị vẫn sử dụng tốt theo thời gian. Đây là một lý do để các nhà sản xuất nên hỗ trợ smartphone lâu dài miễn là người dùng có ý định giữ chúng.
Vấn đề môi trường được quan tâm hơn
Nghiên cứu của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU) / Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên Hợp Quốc (UNITAR) vào năm 2020 đưa ra những con số đáng báo động.
Thống kê gần nhất vào năm 2019 cho thấy thiết bị điện tử tạo ra 53,6 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn cầu. Châu Âu tạo ra nhiều nhất với 16,2kg mỗi người, Mỹ là 13,3kg. Khối lượng dự kiến sẽ tăng lên 74 triệu tấn trên toàn cầu vào năm 2030.
Điều quan trọng là chất thải điện tử bao gồm các kim loại quý, chẳng hạn như đồng và vàng, và các nguyên liệu thô quan trọng như coban và palladium. Đây là những nguồn tài nguyên hữu hạn và đắt tiền, cần nhiều lao động để khai thác và tinh chế.
Theo báo cáo, thế giới đã tiêu thụ 39 triệu tấn kim loại thô cho thiết bị điện tử vào năm 2019, nhưng có thể thu được tới 25 triệu tấn trong số này từ rác thải điện tử trong điều kiện lý tưởng.
83% chất thải điện tử không bao giờ được tái chế, ước tính tương đương với 47 tỷ USD bị bỏ đi.
Tất nhiên, smartphone chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số rác thải này. Mặc dù vậy, các xu hướng đáng báo động đã khiến Ủy ban châu Âu phải kiểm soát rác thải điện tử từ các sản phẩm có khả năng sạc pin. Châu Âu đang tìm cách buộc sử dụng cổng USB-C cho tất cả các thiết bị mới.
Các nhà sản xuất điện thoại đã thể hiện mối quan tâm cho môi trường khi loại bỏ cốc sạc khỏi hộp sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu đề cao ý thức về sinh thái, trong khi lại làm rất ít để cải thiện sự hỗ trợ sản phẩm lâu dài, một cách hạn chế rác thải điện tử hiệu quả nhất.
Xu hướng phát triển các chương trình tự sửa chữa của Apple và Samsung giúp điều này trở nên khả thi hơn so với những năm trước. Thay pin cũ và màn hình bị hỏng có thể mang lại cho điện thoại thêm nhiều thời gian sử dụng.
Dù vậy, phạm vi hiện tại của các thiết bị được hỗ trợ và các bộ phận từ chương trình sửa chữa chính thức là quá hạn chế để có thể đáp ứng việc sửa chữa dài hạn. Nhưng nhìn chung các bước đang đi đúng hướng, ít nhất là từ một số nhà sản xuất.
Smartphone nên được chế tạo để sử dụng từ năm năm trở lên
Cốt lõi của ý kiến này là phần cứng của smarphone đã đạt đến một mức ổn định. Từ tầm trung cho đến những chiếc flagship, phần cứng giờ đây đã quá đủ mạnh để tồn tại trong vài năm mà không bị lỗi thời đến mức không thể sử dụng được.
Cho dù đó là hiệu suất, camera hay thời lượng pin vượt trội, thời của những cải tiến vượt bậc hàng năm đã qua lâu rồi. Người dùng vẫn mong đợi những cải tiến ấn tượng, nhưng chúng không còn đột ngột biến các máy cũ thành lỗi thời.
Do đó, smartphone hiện đại cần nên được hỗ trợ phần mềm lâu dài và các bản vá bảo mật nửa năm một lần. Ngoài ra, các dịch vụ sửa chữa cũng nên được nâng cấp nếu những công ty thật sự quan tâm đến chất thải điện tử.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Vì sao một số ứng dụng smartphone lại khiến bạn gắn bó lâu dài như vậy?
Một số ứng dụng có cách gửi thông điệp đúng 'gu' của bạn, vào đúng thời điểm thích hợp, khiến bạn không thể ngó lơ.