Xác định 36 chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2025
Nhằm kế thừa những thành tích đã đạt được, cuối tháng 11/2024, tỉnh Bình Dương đã dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Theo đó, trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương được duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
Nhằm phát triển hơn nữa, UBND tỉnh đã xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2025. Trong đó, phấn đấu GRDP tăng 8 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người 195 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng (63,81% - 26,34% - 2,66% - 7,19%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 - 10%; tổng thu sách Nhà nước trên địa bàn 74.320 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,8 tỷ USD…
11 giải pháp trọng tâm
Để đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2025, UBND tỉnh Bình Dương xây dựng 11 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bảo đảm ổn định các cân đối lớn. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Về quy hoạch và phát triển đô thị, tỉnh Bình Dương xác định nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương xác định tăng cường đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế đêm.
Tỉnh Bình Dương cũng định hướng tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và các ngành tiềm năng như chất bán dẫn, đổi mới sáng tạo... Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Giải quyết các khó khăn về cơ chế, chính sách và thúc đẩy hoàn thiện các dự án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2025 và loại bỏ các dự án kém hiệu quả, ưu tiên nguồn lực cho các dự án kết nối vùng.
Đẩy mạnh thương mại điện tử và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; ổn định giá cả và cung cầu hàng hóa, chống gian lận xuất xứ. Phát triển công nghiệp gắn liền với hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế để thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, thu hút đầu tư vào công nghệ cao như chip bán dẫn, năng lượng sạch, và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu IIP năm 2025 tăng trên 8,7%.
Phát triển mạng lưới khu công nghiệp phù hợp, đặc biệt là khu công nghiệp xanh, sinh thái, tăng nội địa hóa ở công nghiệp hỗ trợ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút nhà đầu tư chiến lược, hình thành hệ sinh thái kinh tế trọng điểm...
Ông Nguyễn Trần Hiệu - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương dự báo xuất khẩu trong năm 2025 tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức, khó duy trì được tăng trưởng như năm 2024. Nhất là tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta có thể bị tác động bởi các chính sách mới liên quan tới hàng rào thuế quan.
Việt Nam chiếm hơn 40% hàng hóa nhập khẩu của khối ASEAN vào Bắc Mỹ; trong đó có 3 hàng hóa chủ lực của Bình Dương gồm gỗ, sản phẩm dệt may, giày dép.
Do đó, năm 2025, Cục Hải quan Bình Dương cam kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; mở rộng các loại hình xuất nhập khẩu; tạo thủ tục thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường thương mại điện tử và qua đường thủy; dự phòng kiểm soát chặt hàng hóa xuất nhập khẩu giả mạo, gian lận.
Đặc biệt, Chi cục Hải quan sẽ được bố trí gần với các khu công nghiệp để kịp thời hỗ trợ hướng dẫn cho doanh nghiệp; tăng cường chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý Nhà nước về hải quan…
Ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng lạc quan cho biết xu hướng dòng chảy FDI đổ về châu Á, ASEAN, và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025. Hiện nay các dòng vốn tiếp tục đổ về Bình Dương, như vậy FDI sẽ tiếp tục là điểm sáng của tỉnh trong năm 2025. Bình Dương tiếp tục có nhiều lợi thế, cùng với đó nếu các công trình trọng điểm kịp thời khởi công chắc chắn sẽ tạo ra đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc.
Đình Sơn