Sở GD-ĐT TPHCM vừa có kế hoạch thực hiện mô hình trường học hạnh phúc trong các trường học từ năm 2024-2026. Sở yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện công tác xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lí trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên, nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, từ đó lan tỏa hạnh phúc đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Xây dựng môi trường học sinh cảm nhận được hạnh phúc. Học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thân thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên.

nữ sinh.jpeg
Năm 2025 TPHCM sẽ tạo kho tài liệu số chia sẻ mô hình trường học hạnh phúc. Ảnh: LH

Đặc biệt, kế hoạch này nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, hướng tới xây dựng “trường học hạnh phúc” không chỉ là nơi cung cấp và đáp ứng các nhu cầu giáo dục, mà phải là nơi tạo ra hạnh phúc góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc để nhà trường phát triển bền vững.

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu, các cơ sở giáo dục thực hiện thực chất, hiệu quả bộ tiêu chí trường học hạnh phúc;  Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học hạnh phúc; Thực hiện tốt công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể để xây dựng trường học hạnh phúc có hiệu quả.

Các trường cũng thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng, thường xuyên rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, giao lưu; tôn vinh, biểu dương bằng các hình thức thích hợp các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, thực hiện có hiệu quả.

Sở yêu cầu xây dựng môi trường học đường hạnh phúc, tạo không gian học tập thân thiện. Phát triển các "góc hạnh phúc" tại trường học, bao gồm khu vực thư giãn, góc sáng tạo nghệ thuật và không gian xanh để học sinh có nơi cân bằng cảm xúc. Triển khai mô hình trường học xanh tại ít nhất 80% các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố…

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và nhân viên. Giáo viên phải được đào tạo chuyên sâu về giáo dục cảm xúc xã hội, tạo động lực và gắn kết. Ngoài ra, phải tăng cường kết nối gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó phải đồng hành cùng phụ huynh, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng.

Sở cũng yêu cầu đẩy mạnh công nghệ và đổi mới quy trình quản lý, như ứng dụng công nghệ trong quản lý hạnh phúc. Xây dựng nền tảng trực tuyến đo lường mức độ hài lòng và hạnh phúc của học sinh, giáo viên, phụ huynh, từ đó cải thiện những điểm chưa đạt. Đặc biệt tạo kho tài liệu số chia sẻ các mô hình trường học hạnh phúc thành công để các đơn vị học hỏi và triển khai.