Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với nhiều hình thức như phát hành bản tin, tờ rơi, cẩm nang… để tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề và việc làm, năng lực đào tạo nghề của tỉnh...
Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được kiện toàn, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với thực tế, giảm còn 26 cơ sở (6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp).
Đội ngũ giáo viên dạy nghề thường xuyên được tỉnh quan tâm, bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Đến nay có 1.582 giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề (số có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 28,2%, số có trình độ đại học chiếm 55,2%; 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm; 71,4% nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề đảm nhiệm dạy thực hành và tích hợp; trình độ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn chiếm 90% và 92,5%).
Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn thường xuyên ký hợp đồng thỉnh giảng với giảng viên của các trường đại học, cán bộ khoa học của Trung tâm Khuyến công, khuyến nông, Phòng NN&PTNT các huyện, các nghệ nhân tại các làng nghề La Xuyên, Tống Xá, Hải Minh, Vân Chàng, Xuân Tiến... cùng tham gia dạy nghề.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường xuyên được quan tâm chú trọng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo đúng quy định pháp luật.
Thống kê từ năm 2011 đến 2020, toàn tỉnh có 22.346 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được học nghề; trên 56 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Nhóm nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu: chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; trồng cây lương thực thực phẩm; nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nghề nuôi tôm, cua biển, ngao; trồng nấm; chăm sóc, uốn, cắt tỉa cây cảnh; trồng rau...
Nhìn chung, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có năng suất và hiệu quả hơn đạt trên 85% (vượt chỉ tiêu Chỉ thị 19-CT/TW). Nhiều lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định giúp gia đình thoát nghèo. Việc thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng tốt quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Chỉ thị 19 trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; việc tuyển sinh lao động học nghề ở một số nơi còn gặp khó khăn.
Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động... Công tác tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn chưa thường xuyên, liên tục; hiệu quả chưa cao. Việc giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên ở một vài cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; việc bố trí giáo viên còn lúng túng. Số lao động được đào tạo nghề còn ít so với nhu cầu lao động xã hội.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 41 ngày 30/3/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 75%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%.
Đến năm 2050, Nam Định trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, trong đó nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”. Phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn, chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của từng địa phương.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp, thủy sản nói riêng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực, quốc tế.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới….
Nguyễn Hòa