Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định) cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.776 tàu cá. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 394 chiếc; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 313 chiếc; chiều dài từ 15m đến dưới 24m gồm 501 chiếc; dài từ 24m trở lên có 20 chiếc. 

anh bai 9 nghe.jpg
Nam Định sẽ giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV nhằm giảm áp lực cho khu vực ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Trong số các tàu cá trên, hiện có 521 tàu hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng khơi, 313 tàu khai thác ở vùng lộng còn lại là hoạt động ven bờ. 

Như vậy là số lượng tàu cá có chiều dài dưới 12m vẫn chiếm tỷ lệ lớn nên việc khai thác hải sản ở các vùng biển ven bờ đã vượt quá giới hạn cho phép khiến nguồn lợi ngày càng cạn kiệt.

Theo Chi cục Thuỷ sản, phân loại theo nghề thì nghề lưới rê chiếm đến gần 77%, lưới kéo chiếm gần 20%, còn lại là lồng bẫy, chụp mực, vây… 

Để ngành khai thác thuỷ sản phát triển bền vững, đảm bảo cho ngư dân vươn khơi bám biển an toàn, hiệu quả, hiện nay, các tàu cá của tỉnh đã được các chủ tàu thực hiện đăng kiểm đúng định kỳ, bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên và đánh dấu tàu cá theo quy định. Bên cạnh đó, đội ngũ thuyền viên được đào tạo, bồi dưỡng đã sử dụng tốt các thiết bị và kỹ thuật khai thác mới, có thêm kinh nghiệm, kiến thức tìm kiếm ngư trường để khai thác dài ngày trên biển. 

Thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thuỷ sản, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo phát triển ngành theo hướng tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn khai thác xa bờ, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, giảm dần số lượng tàu công suất nhỏ gần bờ. 

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất trên biển theo tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn. 

Kết quả cho thấy, số phương tiện đánh bắt trong những năm gần đây của tỉnh đã giảm. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, cách đây 2 năm, vào gần cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 2.100 tàu cá, tuy nhiên, hiện nay, số phương tiện khai thác thuỷ sản của tỉnh giảm gần 400 chiếc, chỉ còn 1.776 tàu cá, trong đó, số lượng tàu cá giảm chủ yếu là các tàu đánh bắt gần bờ.

Năm 2023, nhằm kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương giám sát chặt hoạt động khai thác bất hợp pháp, không để tàu cá Nam Định vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt không có tàu cá của Nam Định vi phạm vùng biển nước ngoài... 

Nhờ đó, hoạt động khai thác của người dân dần ổn định, các tàu cá có công suất lớn đã mạnh dạn vươn khơi xa, khai thác thủy sản tiếp tục tăng cả về sản lượng và giá trị. Năm 2022, sản lượng khai thác thuỷ sản của tỉnh đạt 58.541 tấn; năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 61.070 tấn, đạt 98,5% so với kế hoạch và tăng 4,3% so với năm trước. 

Thời gian tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản tham mưu, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản, hướng dẫn ghi sổ nhật ký khai thác và báo cáo khai thác cho ngư dân. 

Bên cạnh đó sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá. Nhất là chú trọng tập trung phát triển nghề có tính chọn lọc cao, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế và tăng khả năng vươn khơi xa để giảm áp lực cho khu vực ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. 

Đồng thời, củng cố xây dựng công tác dự báo ngư trường, thông tin kịp thời đến ngư dân về dự báo ngư trường khai thác, trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép đánh bắt. Ngoài ra, tỉnh sẽ duy trì ổn định sản lượng khai thác, giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV. 

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV