Nhiều năm gắn bó với hoạt động nghiên cứu về biển, ông Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển đánh giá cao việc nhiều dự án, chương trình trồng mới và khôi phục các khu vực rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển bị suy thoái đã được triển khai tại Việt Nam nhằm tái tạo, bảo vệ khu vực sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển, trong đó có nhiều đặc sản, cũng như bảo tồn các giá trị tự nhiên của hệ sinh thái cho mục đích phát triển du lịch sinh thái, nghề cá và nuôi trồng thủy sản mặn lợ… 

Bảo vệ hiệu quả rừng ngập mặn ven biển

Ông Hồi cho biết, các địa phương ven biển có rừng ngập mặn đã tập trung tăng cường vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp, môi trường trong công tác bảo vệ hiệu quả rừng ngập mặn ven biển. 

Các mô hình sử dụng tổng hợp, đa ngành các hệ sinh thái biển - ven biển đã được triển khai nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội biển và ven biển bền vững, dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo mục tiêu “kép”. 

anh bai 19.jpg
Các địa phương đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn, trồng mới và tái sinh rừng ngập mặn ven biển.

Cùng với đó, các địa phương cũng đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn, trồng mới và tái sinh rừng ngập mặn ven biển; nghiêm cấm khai thác bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản làm hủy hoại diễn thế tự nhiên bồi tụ và phát triển rừng ngập mặn non trẻ.

Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, các sân chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển có giá trị như là “bức tường” bảo vệ môi trường (như Vườn quốc gia Xuân Thủy, Tràm Chim…). 

Ngoài ra, các đề án khôi phục và phát triển rừng ngập mặn trong các giai đoạn 2008-2015 và 2016-2020 do Chính phủ tài trợ cũng đã được triển khai với sự trợ giúp kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế. 

Đến năm 2020, khoảng 56% tổng diện tích rừng ngập mặn toàn quốc là rừng mới trồng, thuần loại, nhưng chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng thành phần loài. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 44 dự án được thực hiện liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trong khuôn khổ của Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020, giành ưu tiên sử dụng vốn ODA cho việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Nhờ đó, “bức tranh” rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam đã có thêm nhiều “điểm sáng”.

Phục hồi thành công rạn san hô

Cũng theo ông Hồi, Viện Hải dương học (Nha Trang), Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Hải Phòng), Viện Nghiên cứu Hải sản (Hải Phòng), Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và một số địa phương đã nghiên cứu phục hồi thành công rạn san hô và thảm cỏ biển ở Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Tam Hải (Quảng Nam), Cát Bà, Bạch Long Vĩ, vịnh Quy Nhơn, Hòn Yến (Phú Yên) và vịnh Nha Trang... 

Một số địa phương đã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án thả rạn nhân tạo, tạo môi trường sống cho các loài thủy sản, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Thuận, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế; Tiến hành trồng cấy, phục hồi san hô ở Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa. 

Các rạn san hô thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun trong Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang đã được bảo tồn nguyên vẹn và duy trì ở trạng thái ổn định trong nhiều năm, tuy nhiên trong đợt đại dịch Covid-19 năm 2021 đã bị suy thoái nghiêm trọng. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang phải xây dựng và thực hiện “Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang”. 

“Dù đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô và rạn san hô, cũng như cỏ biển ngoài tự nhiên, nhưng ở nước ta, diện tích được phục hồi trong thực tế còn rất thấp so với yêu cầu thực tế”, ông Hồi lưu ý.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV