UBND tỉnh Nam Định vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi (CTTL) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, sáng 25/4.

Theo báo cáo, năm 2023, công tác chỉ đạo PCTT và TKCN của tỉnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, liên tục, chặt chẽ; chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; công tác dự báo thiên tai sát với tình hình thực tế; việc tuần tra, trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời.

quang canh hoi nghi.jpg
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các huyện, thành phố trong tỉnh. Ảnh: UBND tỉnh Nam Định

Năm 2024, theo các cơ quan chuyên môn, dự báo có khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Định. Trên toàn tỉnh có hơn 535km đê, trong đó có 75,161km đê biển. Có 38 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý, trong đó có 2 trọng điểm cấp tỉnh... 

Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT và TKCN, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, phân công nhiệm vụ các thành viên. 

Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều, thủy lợi, công trình PCTT, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm và phương án hộ đê toàn tuyến. Tổ chức diễn tập, tập huấn PCTT và TKCN sát thực tế. Tăng cường hoạt động của các lực lượng xung kích PCTT, lực lượng quản lý đê nhân dân và lực lượng tuần tra canh gác nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu đạt hiệu quả cao nhất. Tổ chức trực ban nghiêm túc, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố, nhất là sự cố đê điều và xử lý kiên quyết các vi phạm đê điều, thủy lợi.

nam dinh.jpg
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu, chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: UBND tỉnh Nam Định

Phát biểu tại hội nghị ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thực hiện theo dõi chặt chẽ địa bàn mình được phân công phụ trách; kịp thời phản ánh cụ thể với UBND tỉnh những vấn đề mới phát sinh để có hướng giải quyết.

Các cấp, ngành, các địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo và thực hiện tốt công tác PCTT, sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động PCTT khi có tình huống xảy ra. 

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, hỗ trợ các Sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát lại kế hoạch PCTT và TKCN, đồng thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, phát hiện các điểm xung yếu để có biện pháp xử lý. 

Đồng thời, Sở phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các kiến thức, kinh nghiệm PCTT để mọi người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng PCTT…

P. Bình