Hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí
Với thành tựu đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Trực Ninh (Nam Định) đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tốc về đích nông thôn mới nâng cao.
Năm 2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch đề ra. Đến năm 2021, 11 xã, thị trấn được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện 21/21 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao đối với 21 xã, thị trấn; theo Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đối với 03 xã, thị trấn và theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Tính đến năm 2022, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ hộ dân sử
dụng nước sạch đạt 99%. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã đánh giá, phân hạng đối với 18 sản phẩm của 16 cơ sở sản xuất tại 15 xã, thị trấn; trong đó, có 03 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Các cơ sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng đánh giá phân hạng cấp tỉnh.
Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 tại xã Trực Thanh, Trực Đại, tổng giá trị dự án 849,5 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 509 triệu đồng.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,0%. Tổng thu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế 527 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch; chi trả kịp thời, đúng quy định 392,3 tỷ đồng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 80%, vượt kế hoạch; tạo việc làm mới 3.800 lao động, đạt 100% kế hoạch; tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng năm 2022 theo kế hoạch.
Trên địa bàn huyện, một số xã đã tích cực triển khai xây dựng xã nông thôn mới thông minh sau khi được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Trực Tuấn là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Trực Ninh. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trực Tuấn tiếp tục đoàn kết, nỗ lực nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thực hiện Quyết định 319/QĐ-TTg, xã đã chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí mới, xây dựng thôn thông minh trên địa bàn. Để đưa công nghệ thông tin vào cuộc sống và xây dựng thôn thông minh, xã đã tiến hành thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn do trực tiếp bí thư chi bộ làm tổ trưởng, trưởng thôn và các thành viên Ban công tác Mặt trận làm tổ viên.
Xã định hướng lựa chọn thôn Nam Lạng Tây xây dựng mô hình thôn thông minh và tiến hành rà soát các điều kiện, chỉnh trang hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó lắp đặt 1 điểm wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn phục vụ nhu cầu truy cập internet của người dân.
Triển khai các nội dung về xây dựng chính quyền xã thông minh, xã đã nâng cấp hệ thống đường truyền Internet nhằm phục vụ chuyển đổi số. Sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, văn bản được liên thông 3 cấp, 100% văn bản đến được tiếp nhận, phân bổ và xử lý theo quy định.
Cán bộ, công chức xã thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin trong công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện truyền thông số, mạng xã hội. Mỗi cán bộ, công chức xã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý của UBND xã và không ngừng trau dồi kỹ năng số.
Thời gian qua, xã Trực Tuấn đã lắp đặt 30 camera giám sát an ninh trật tự tại những khu vực trọng điểm của xã, các trường học, các trục đường chính của xã, thôn, xóm. Toàn bộ hình ảnh từ các cụm camera được thu về trụ sở UBND xã, được Công an xã trực tiếp quản lý.
Ông Trần Văn Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Tuấn cho biết: "Việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh theo tinh thần, chủ trương của huyện đã và đang giúp đưa công nghệ số về từng thôn, đến từng nhà ở Trực Tuấn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị".
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
Huyện Trực Ninh xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; không có điểm kết thúc, không chạy theo thành tích; không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; thực hiện nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và phòng chức năng của huyện xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trong giai đoạn mới, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Trực Ninh tiếp tục được triển khai và thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư; phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, UBND huyện Trực Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Kịp thời phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để nhân rộng.
Biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, có nhiều thành tích và các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, tiết giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai. Khuyến khích, mở rộng diện tích liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nhất là gieo mạ khay - cấy máy và phun thuốc bảo vệ thực vật.
Khuyến khích, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, an toàn sinh học, từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục tạo điều kiện, hướng dẫn các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phủ kín hệ thống cấp nước sạch từ các nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn huyện.