Báo cáo kết quả triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Nam Định, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định mới đây cho biết: Lũy kế đến hết tháng 3/2024, tỉnh Nam Định có 197 xã, thị trấn (chiếm 96,6% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 32 xã (chiếm 17% tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó có 8/32 xã (chiếm 25%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực chuyển đổi số.
Để có những kết quả trên, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định cho biết, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thường xuyên đã góp phần từng bước tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực vào tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Đài PTTH tỉnh xây dựng các phóng sự phim về chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến phát trên sóng truyền hình NTV Nam Định. Báo Nam Định xây dựng các tin bài, phóng sự đăng trên Báo Nam Định và các báo điện tử khác... Chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, chuyên trang của tỉnh về chuyển đổi số và Kênh OAZalo của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến được xây dựng và thường xuyên cập nhật kịp thời các tin bài, văn bản, tài liệu về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Sở Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Đài phát thanh cấp huyện và Đài truyền thanh cấp xã.
Công tác đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh bằng việc tổ chức các hội nghị phát động chương trình phổ cập chữ ký số công cộng nhằm thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hội nghị phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng dụng các nền tảng số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho trên 14.000 người dân tại 70 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh cũng tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng số, nền tảng số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số như phát triển các hệ thống thông tin, ứng dụng, dịch vụ số đổi mới lề lối, phương thức làm việc; triển khai kết nối, khai thác dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC và bổ sung, làm giàu dữ liệu; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; phát triển xã hội số.
Đến nay, tỉnh Nam Định có 8/32 (chiếm 25%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực chuyển đổi số. Các xã đều hoàn thành và vượt mức đạt các tiêu chí nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu: 100% số xã đều có mô hình thôn thông minh; 100% cán bộ công chức xã, tổ công nghệ cộng đồng của các xã, thôn/xóm được bồi dưỡng, tập huấn các nội dung về chuyển đổi số; 100% số xã có Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh thông minh); 100% số xã có bảng tin điện tử công cộng phục vụ hoạt động điều hành, chỉ đạo của chính quyền cơ sở. Bảng tin được đặt ở địa điểm công cộng, tập trung đông dân cư để người dân dễ nhìn, dễ tìm hiểu các thông tin thiết yếu bằng chữ viết, hình ảnh.
Năm 2020, xã Giao Phong - huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Năm 2022 xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục. Ngày 18/3/2024, xã Giao Phong được UBND tỉnh Nam Định quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã NTM thông minh, với tổng kinh phí thực hiện 11 tỷ đồng. Nội dung chính của mô hình thí điểm xã NTM thông minh bao gồm 31 tiêu chí, 18 mục tiêu. Phấn đấu đến năm 2025 Xã Giao Phong thực hiện thành công các tiêu chí xã NTM thông minh đảm bảo 03 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.
Huệ Anh