Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm không chỉ về mua bán người, bọn tội phạm còn lợi dụng để đưa người di cư trái phép và môi giới lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động… nhằm lừa đảo đưa ra nước ngoài. Nhiều trường hợp đã trở thành nạn nhân của các động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép và lao động bất hợp pháp.

{keywords}
Nạn mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 8 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ mua bán người với hơn 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh thành; nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…

Tại tỉnh Nam Định, từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp mua bán người nào. Tuy nhiên, tệ nạn này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội.

Trước các nguy cơ thường trực về tội phạm mua bán người, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND để triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện tốt chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp từng đối tượng, địa bàn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình, phong trào về an ninh trật tự mang lại hiệu quả. 

Về phía Công an tỉnh, từ công tác điều tra cơ bản, Công an tỉnh xác định đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương lâu ngày, nghi bị mua bán chưa trở về; trong đó huyện Ý Yên có 1 trường hợp, thành phố Nam Định 3 trường hợp.

Hiện các trường hợp này vẫn chưa xác định được địa chỉ cụ thể tại Trung Quốc nên đã lập danh sách báo cáo về Bộ Công an để có biện pháp xác minh, giải cứu nạn nhân. Qua kết quả điều tra, Công an tỉnh nhận định, trên địa bàn tỉnh chưa có đối tượng, băng nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người; đồng thời, không tiếp nhận được tin báo, đơn tố giác nào liên quan đến tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, các đơn vị trong và ngoài lực lượng xây dựng hơn 250 tin, bài, ảnh kịp thời tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng, duy trì, nhân rộng 48 mô hình hoạt động hiệu quả; duy trì hoạt động 2 trang Fanpage “Phong trào Nam Định”, “Người Thành Nam” trên mạng facebook và tài khoản Official Account “Vì bình yên cuộc sống” trên mạng xã hội Zalo. Trong những tháng đầu năm, các tài khoản này đã đăng tải 134 bài tuyên truyền về an ninh trật tự và các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Công an tỉnh đã ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND 226 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; in phát trên 250 nghìn tờ tuyên truyền về vận động nhân dân thực hiện công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự. Tổ chức 6 hội nghị biểu dương, khen thưởng thành tích xuất sắc của lực lượng công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ bình yên cuộc sống.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội tại huyện Vụ Bản cho hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ; xây dựng nhiều bài tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội.

Các cấp, các ngành đã phối hợp xây dựng, củng cố, phát động đoàn viên, hội viên, cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia các phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội... Đảm bảo nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời theo quy định của pháp luật. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Phúc