- Mùa mưa đến là nguyên nhân khiến số nạn nhân bị rắn cắn nhập viện cấp cứu gia tăng. Điều đáng nói, trong số các trường hợp bị rắn cắn có khá nhiều nạn nhân sinh sống tại TP.HCM.

Tăng do mùa mưa

Chiều ngày 25/6, TS – bác sĩ Lê Quốc Hùng, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã cảnh báo như trên.

Cụ thể, khoảng 3 tuần nay Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 111 trường hợp bị rắn cắn. 80% nạn nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, số còn lại là nạn nhân của rắn chàm quạp, hổ đất, hổ mèo, rắn biển.

“Lượng nạn nhân bị rắn cắn gia tăng theo mùa. Mỗi năm chúng tôi tiếp nhận từ 800 – 1000 ca rắn cắn. Lượng bệnh cao nhất vào thời điểm từ tháng 5 – tháng 8. Tháng 5 vừa qua chúng tôi ghi nhận khoảng 70 trường hợp. Lúc đỉnh điểm có thể lên tới 200 trường hợp/tháng”, bác sĩ Hùng nói.

{keywords}
Nạn nhân bị rắn cắn tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Thanh Huyền.

Hiện nay Khoa Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 15 trường hợp bị rắn cắn.

Nghiêm trọng nhất là trường hợp của chị T.T.H., sinh năm 1986, ngụ tại Bình Dương nhập viện Chợ Rẫy ngày 24/6. Chị H. bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang mang bầu 3 tháng.

Khi được đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy, vết thương rắn cắn trên cơ thể nạn nhân sưng tấy. Chị H. rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, phải truyền huyết thanh kháng nọc.

Theo bác sĩ Hùng, sức khỏe người mẹ tới nay đã ổn định nhưng lo ngại nhất là tình trạng thai nhi. Trong hôm nay, các bác sĩ sẽ siêu âm lại thai nhi để kiểm tra kỹ lưỡng.

Khi mang thai bị rắn cắn, nếu nặng nề thai phụ sẽ bị xuất huyết bánh nhau, đối diện với nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc băng huyết.

Xử trí khi bị rắn cắn

Qua thống kê cho thấy, bệnh nhân bị rắn cắn thường sinh sống ở các khu vực Q. 9, Q. 12, Củ Chi và Hóc Môn. Ngoài ra nạn nhân được đưa tới từ các tỉnh thành như: Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Ninh Thuận, xa nhất là Bình Định.

Không chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng ghi nhận lượng bệnh nhi bị rắn cắn có chiều hướng gia tăng.

{keywords}
Người dân phát hiện rắn trên đường phố. (Ảnh minh họa).

Từ đầu tháng 6 tới nay có khoảng 8 trường hợp trẻ em bị rắn cắn được đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu, trong đó 70% nạn nhân cư trú tại TP.HCM. Một trường hợp nhập bị rắn hổ mèo cắn, nhập viện quá trễ nên không qua khỏi.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết từ đầu tháng tới nay đơn vị mình tiếp nhận khoảng 5 ca bị rắn cắn. Các nạn nhân ở tỉnh thường bị rắn chàm quạp cắn, còn nạn nhân tại TP.HCM đa phần bị cắn bởi rắn lục.

Tình huống bị rắn cắn thường xảy ra ở nông thôn, trong lúc người dân đi làm rẫy, làm vườn. Còn tại thành phố, chủ yếu nạn nhân bị cắn lúc đi tập thể dục gần bụi cỏ, bờ sông, thậm chí bị rắn biển cắn ở nhà hàng. Ngoài ra, phong trào nuôi rắn độc, bò cạp làm cảnh ở một số gia đình khá giả cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bác sĩ Hùng, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên, khi bị rắn cắn nếu không biết cách tốt nhất đừng tự buộc garo mà hãy rửa sạch vết thương rồi chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và xử trí tiếp.

Việc buộc garo quá chặt có thể khiến toàn bộ phần dưới dây buộc hoại tử. Một số người dân khi bị rắn cắn không đi bệnh viện mà tìm thầy lang đắp thuốc, dẫn tới vết thương bị nhiễm trùng, tiến tới nhiễm trùng máu, nguy hiểm tính mạng.

Thời gian chuyển nạn nhân tới bệnh viện tốt nhất là trong 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc bị rắn cắn. Nếu nạn nhân có biểu hiện sốc phản vệ phải được đưa tới cơ sở y tế ngay.

Khi bị rắn độc cắn, trên cơ thể nạn nhân có dấu răng, vết thương sẽ sưng nề. Lúc này nạn nhân sẽ lo sợ, vã mồ hôi, tim đập nhanh, khó thở.

Tiếp theo đó là các biểu hiện rối loạn đông máu, xuất huyết khó cầm. Nạn nhân có thể bị chảy máu không ngừng tại vết thương, nghiêm trọng hơn là chảy máu cam, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não và tử vong nếu không được điều trị.

Theo phản ánh của người dân, vài ngày qua, phát hiện rắn lục đuôi đỏ ngay ở ngay các quận trung tâm TP.HCM như một số khu vực cửa hàng tại quận 5. Nơi được truyền miệng có nhiều rắn lục đuôi đỏ nhất chính là ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn P.Thạnh Lộc Q. 12.

TS – Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết rắn độc được chia làm 2 nhóm chính: nhóm gây rối loạn đông máu và nhóm gây tổn thương thần kinh cơ.

Rắn lục thuộc nhóm gây rối loạn đông máu, có rất nhiều chủng loại. Rắn lục xanh sinh sống nhiều ở khu vực phía Bắc, còn rắn lục đuôi đỏ phân bố chủ yếu từ Quảng Trị trở vào phía Nam.

 

Thanh Huyền