Năm ngoái, tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021-2025, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, GS,TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình tổng kết, thời gian qua, Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp…

W-trongbuoi.png
Ảnh minh hoạ

Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 đã phê duyệt được 84 nhiệm vụ, trong đó có 50 đề tài và 34 dự án. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là 585,76 tỷ đồng. Toàn bộ 4 mục tiêu của chương trình gồm: hoàn thiện cơ sở lý luận; hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp; xây dựng các mô hình chuyển giao và nâng cao nhận thức, trình độ đều được đáp ứng bằng số lượng hợp lý các đề tài, dự án tham gia trong các nhóm. Từ 84 nhiệm vụ, số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung cộng lại lên tới trên 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực; hoàn thiện 97 quy trình sản xuất và công nghệ để chuyển giao vào sản xuất…

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định số 923/QĐ-TTg với mục tiêu cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Chương trình đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền (đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.

Chương trình cũng đề ra một số chỉ tiêu và sản phẩm: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng. Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư. Tối thiểu 25% mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Thực hiện nhiệm vụ Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, các đề tài, dự án triển khai sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và các Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng của Bộ Chính trị... theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; các nội dung, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.