Các chương trình đào tạo đặc biệt cho nhóm lao động trong hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo khá phong phú và đa dạng về mặt số lượng. Vấn đề là hoạt động đào tạo đó có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không.
Không nên chỉ dừng lại ở chỉ tiêu 'lao động qua đào tạo'
Đánh giá về việc triển khai các chương trình đào tạo nghề hiện nay cho người nghèo, Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, cho hay chúng ta đã tập trung cao độ cho chương trình đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho người lao động, nhất là cái lao động, hộ nghèo, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi nhìn nhận chương trình vẫn gặp rào cản lớn. Thứ nhất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, năng lực và khả năng học tập của người lao động có phần hạn chế. Thứ hai, điều kiện về giáo dục cơ sở nghề nghiệp ở các địa phương chưa như kỳ vọng. Vì thế khi tập trung để nâng cao năng lực, trình độ cho lao động của khu vực này vì mục tiêu giảm nghèo còn rất khó khăn, từ đó năng suất lao động không cao.
Theo ông Lợi, đào tạo nghề "không nên chỉ dừng lại ở đánh giá theo chỉ tiêu lao động qua đào tạo", bởi thực chất, người dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hay lao động nông thôn nói chung được hướng dẫn nghề nghiệp đầu bờ hoặc nuôi các loại cây, con một ngày, hai ngày, cũng gọi là lao động qua đào tạo.
Thay đổi phương thức, nâng cao chất lượng đào tạo
Theo ông, vấn đề quan trọng là phải tập trung để phát triển các cơ sở đào tạo nghề để làm sao phải đào tạo những ngành nghề mà xã hội cần chứ không phải là đào tạo cái ngành nghề mà nhà trường có. Cần thay đổi phương thức: đào tạo gắn với sử dụng, Tiến sĩ Lợi đặt vấn đề.
Để làm được điều đó, cần gắn kết giữa doanh nghiệp - nhà đào tạo với người sử dụng lao động một cách chặt chẽ. Điều này giúp việc đào tạo nghề vừa không lãng phí, người lao động, trong đó có lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn, tại các huyện nghèo đáp ứng được yêu cầu để tham gia vào thị trường lao động, từ đó mới giải quyết được vấn đề căn bản về chiều thiếu hụt việc làm.
Vị chuyên gia nêu thực tế, hiện lao động qua đào tạo nghề của nước ta là hơn 70% nhưng đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ chỉ hơn 28% (tới quý II/2024). "Khái niệm lao động qua đào tạo phải dùng là lao động qua đào tạo nghề, có bằng cấp, chứng chỉ. Đó mới là cái nguồn nhân lực chất lượng cao", Tiến sĩ Lợi nói.
Ông ủng hộ phương thức phân luồng học sinh từ trung học cơ sở cho đến phổ thông trung học để có định hướng theo hình thức là vừa học văn hóa, vừa học nghề. Khi học xong, người lao động vừa có bằng tốt nghiệp phổ thông vừa có bằng nghề tương đương với bậc ba...
"Xu hướng đào tạo của chúng ta là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, để người lao động, trong đó có người nghèo, cận nghèo, tiếp cận với sản xuất, có thu nhập", ông nói.
Việc đào tạo nghề gắn liền với quá trình học tập sẽ khuyến khích cho người lao động lấy học tập, đào tạo là căn bản, nền tảng để vươn lên.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học lao động và xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng các chương trình đào tạo hiện nay, đặc biệt cho nhóm lao động trong hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, khá phong phú và đa dạng về mặt số lượng. Các lĩnh vực được đào tạo cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp, với các khoá có thời lượng khác nhau.
"Điều quan trọng là hoạt động đào tạo đó có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không", ông Toàn nói điều này phản ánh rất rõ qua việc người lao động sau đào tạo có tiếp cận được cơ hội việc làm hay không; việc làm đấy có bền vững, có đem lại thu nhập đủ sống ổn định hay không.
Do đó, Tiến sĩ Toàn cho rằng, vẫn còn những khoảng trống nhất định liên quan sự phù hợp giữa chương trình, nội dung đào tạo và nhu cầu của thị trường. Ông bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Lợi rằng cần nhìn nhận vấn đề trên góc độ về phía cầu (người lao động và người sử dụng lao động) để thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp hơn thay vì theo lối mòn của phía cung: đào tạo điều cơ sở có thay vì phải đào tạo theo hướng người lao động và thị trường cần.
Mục tiêu tới năm 2025 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững về giải quyết chiều thiếu hụt việc làm:
- 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm;
- Tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công;
- Tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.