Sơn La là một tỉnh miền núi, 83% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai đồng bộ các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình). Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào các dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Mặc dù là địa phương có tiềm năng về tài nguyên nước, tuy nhiên, sự phân bố không đều của nguồn nước đã gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Ở những vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó có vấn đề nước sinh hoạt. Tại các vùng khó khăn, đồng bào chủ yếu sử dụng nguồn nước dẫn từ suối, ao hồ, khe núi, giếng đào và nước mưa, chất lượng nước không được đảm bảo. Bên cạnh đó, do phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên nguồn nước của bà con không ổn định. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên cạn nước, người dân thiếu nước sinh hoạt.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La có 202/204 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó, 126 xã khu vực III và 1.449 bản đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh Sơn La đã giải ngân thanh toán 38,890 tỉ đồng đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng nghìn thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào các DTTS trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên gần 95%.
Thuận Châu là một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện nay, huyện cũng đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, phấn đấu cuối năm đạt từ 90-100% kế hoạch vốn giao năm 2023.
Trong đó, nổi bật là tập trung đẩy mạnh thực hiện Dự án 1 về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho Nhân dân... Ước thực hiện đến hết năm 2023: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 645 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 170 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 498 hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hỗ trợ đất ở cho 16 hộ nghèo, xây dựng 05 công trình nước sinh hoạt tập trung. Ước giải ngân thanh toán đến 31/12/2023 bằng 96,26% kế hoạch vốn giao...
Cũng chú trọng triển khai Dự án 1, hơn 600 hộ dân của xã biên giới Nậm Lạnh tới đây sẽ không còn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Cuối năm 2022, công trình cấp nước sinh hoạt liên bản Púng Tòng, bản Phổng, bản Lọng Tòng, bản Lạnh, bản Cang và các cơ quan, đơn vị tại trung tâm xã đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030.
Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến nay, huyện hỗ trợ cho 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...
Còn tại huyện Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện đã đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân bổ cho 425 hộ; đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho trên 1.000 hộ dân tại các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; Đồng Mã, xã Tân Phong; Thượng Lang, xã Mường Lang và Khe Lành, xã Mường Thải.
Việc tập trung thực hiện Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đã góp phần đảm bảo cho 20 xã vùng khan hiếm nước thuộc 9 huyện của tỉnh Sơn La được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng, tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.