Hệ thống pháp luật có vai trò quan trọng trong việc quản lý đời sống xã hội nhằm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Về bản chất, hệ thống pháp luật chính là chuẩn mực hướng dẫn hành vi cho tất cả các cá nhân, tổ chức, bao gồm cả Nhà nước khi tham gia vào các quan hệ xã hội; là thước đo thể hiện trình độ phát triển của đất nước.
Văn hoá pháp luật là yếu tố bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được đúng đắn, chính xác. Muốn đưa ra được các quyết định áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu trên thì chủ thể áp dụng phải hiểu rõ các yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật để lựa chọn đúng quy phạm pháp luật cần áp dụng, giải thích quy phạm đó phù hợp với trường hợp cần áp dụng và có ý thức tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh quy phạm đó trong quá trình áp dụng, tức là phải có ý thức pháp luật cao.
Để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong tiếp cận, sử dụng pháp luật để thực thi quyền, nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn Nhà nước từng bước thiết lập và không ngừng hoàn thiện các thiết chế thực thi pháp luật, hỗ trợ người dân thực thi pháp luật. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước tiếp cận pháp luật của người dân có thể áp dụng hiện nay như:
Trước nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Chú trọng việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các nhiệm vụ, giải pháp gồm kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng; nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, thành viên của tổ chức mình; nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
"Mưa dầm thấm lâu". Chỉ khi mỗi người dân hiểu biết đúng đắn yêu cầu của các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của mình, tôn trọng, ủng hộ các quy định đó thì pháp luật sẽ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và tự giác.
Công việc này đòi hỏi phải có những đổi mới sâu sắc về nhận thức và thực hiện nhiều giải pháp trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi cán bộ, nhân dân.
Thực hiện đồng bộ một số giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao dân trí pháp lý, xây dựng ý thức tôn trọng thực hiện pháp luật, đảm bảo cho vai trò quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước”. Nâng cao ý thức pháp luật là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy thượng tôn pháp luật.