Tuổi già chất chứa hoài niệm. Vì thế mà bà thường hay tự tình với phím đàn để biết mình đã thơm tình với những xuân xanh.

Gió trời bao dung với chuông gió để ru tai ta trong một sớm mai không hỗn tạp âm thanh của xe cộ, còi tàu, tiếng người và tiếng chim muông...Nhưng gió trời có réo rắt hân hoan như lòng người khi đôi tay mê mẩn trên từng phím dương cầm, mà chính bà cũng chưa ngộ ra được mình đang sống những tháng ngày hồn nhiên, lịch lãm nhất của cuộc đời?

Gần 80 tuổi, không phải là một nghệ sĩ, chỉ là một công chức về hưu, nhưng bà đã thưởng lãm cuộc sống bằng cấu trúc tâm hồn mà như bà nói: sáng sớm vi vu đạp xe ra chợ, chiều buông trên phím đàn và ngắm hoàng hôn...

Không biết tự bao giờ, tôi hay để tâm đến những người già chơi dương cầm thảnh thơi, tự tại và cũng đầy mê đắm. Họ không học qua một trường lớp đào tạo âm nhạc nào, mà tự tìm tòi sách vở, tự làm duyên làm dáng với piano để biết rằng âm nhạc có sức trẻ hóa tuổi già. Họ ít nói về nhạc lý, nhưng rất hay nhắc về những bữa tiệc đoàn viên có đủ các con cháu, dâu rể ngồi nghe một người già chơi piano. Tiếng vỗ tay vẫn còn. Lời tấm tắc chưa quên. Nồng ấm, lãng mạn dưới ánh nến và hoa. Như thế mới là sang trọng của một gia đình nhiều thế hệ ở thời buổi mà mỗi cuộc di cư đều có khả năng xa vạn dặm, cách hàng năm trời, sẵn sàng đứt gãy tình thân bởi nhiều hệ lụy khác.

Những người chơi piano trong chính ngôi nhà của mình, thực sự đã tôn tạo một kiến trúc đẹp. Ngồi nhà không chỉ được xây nên bởi thiết kế gồm bê tông sắt thép, xi măng. Thú vị hơn, ngôi nhà ấy đang là tổ ấm mà mỗi ngày có những bản tình ca được vang lên trên từng phím dương cầm. Điều này khó mà có được ở một ngôi làng heo hút biên cương, càng không thể lạc vào xứ sở của cồng chiêng, kèn lá...Những chiếc piano phần nhiều thuộc về cư dân đô thị, nơi sớm nhất và nhanh nhất trong việc giao thoa văn hóa, trong đó có âm nhạc phương Tây.

Tôi đã từng ngồi nghe người già ấy chơi piano sau khi đã điểm tâm bữa sáng và uống trà tâm sen. Bà thích chơi những bản nhạc có xuất xứ từ âm nhạc Pháp- một trong mấy thủ đô của cây đàn piano. Một lí do nữa là gia đình bà  có nhiều người ruột thịt đang định cư tại Pháp. Bà chơi để nhớ Paris, nhớ ngôi làng nhỏ êm đềm có cái tên là Laons, nằm cách Paris 90km. Bà chơi trong tâm thế níu giữ những chuyến đi khám phá, một cuộc gặp lại tình thân trên mảnh đất cần hơn 12h trên một chuyến bay từ Hà Nội.

Tuổi già chất chứa hoài niệm. Vì thế mà bà thường hay tự tình với phím đàn để biết mình đã thơm tình với những xuân xanh. Vẫn là những cuộc viễn du về xưa cũ. Đà Lạt phải là một cố nhân không khi bà chơi "Đà Lạt hoàng hôn" với đôi mắt đăm chiêu như lạc vào dĩ vãng? Cứ như sương giăng trên từng phím đàn khi bà khẽ chạm. Thành thật với chính mình, khi kết thúc bản nhạc, bà nói: "Tụi bây có thấy già này dễ bị tổn thương bởi mối tình đầu?".

Đứa cháu gái lật tung cuốn sách đang đọc giở, miệng cười như mùa thu tỏa nắng, đùa rằng: "Bà ơi bà, cháu phục bà lắm!". Rồi cả nhà cười vui khi bà vừa di trú vào một hồi ức đẹp, dùng những từ ngữ dễ biến cảm nhất để nói chuyện với mọi người.

Sống trong một biệt thự đẹp, đón gió Hồ Tây và bà hay nghĩ về sự thành đạt. Một người chồng đã đầu bạc răng long vẫn tương kính như tân với mình. Hai đứa con đã gây dựng gia đình, đang theo đuổi những định mức thành đạt tiếp theo của đời người. Thi thoảng, dấu hiệu cô đơn tuổi già bắt đầu hiện hữu, bà lại ngồi vào chơi đàn. Bà chơi hay nhất là lúc hoàng hôn rơi qua khung cửa. Và thoát ra thứ âm thanh mạnh mẽ nhất lại chính là lúc phía chân trời đang bừng sáng sớm mai. Khi đó, bà mới đi thong dong xe đạp một vòng Hồ Tây về tới ngõ.

Piano đã là một kỉ vật hạnh phúc của bà. Không bao giờ để bụi bám trên phím đàn, bà hiểu đàn cần duy nhất hơi ấm từ bàn tay bà. Đôi bàn tay đã từng thực hiện không ít những phản ứng hóa học trong một nhà máy hóa chất lớn, đã từng thêu chỉ luồn kim để may từng tấm áo cho chồng và con, đã giữ lửa ấm nơi bếp. Đảm đang và thanh lịch, bà vuốt lại mái đầu để thực hiện bổn phận của người phụ nữ biết hưởng thụ giai điệu, từng ngày với đàn.

Đã có lúc bà có sự mê man giữa thời khắc nhập tâm với nhạc và bóng đá. Bà thích những cái tên cầu thủ, ông bầu ở nơi xa lơ xa lắc bên kia bán cầu. Bà có thể ngồi trao đổi với con trai những đường bóng được thiết kế từ tư duy chiến thuật của thầy-trò nọ, hoặc thấy được lỗ hổng của trận đấu mà theo bà là do chưa truyền được cảm hứng cuộc chơi. Không biết bà có quá thơ mộng không khi gọi tên một pha bóng đẹp, rằng: "Anh nghiêng mình đá theo kiểu lá thu rơi". Những đêm thức trắng để xem bóng đá cũng là những mai tiếp nối đầy hồi sinh bên phím đàn. Cứ ngỡ, lúc đó bà đang xem lại một trận túc cầu bởi âm nhạc tái hiện. Phải thôi, piano đã cho bà năng lượng để sống bằng qua nếp nhăn tuổi tác và sự luẩn quẩn của tâm hồn.

Bằng cách nào để bà trôi chảy với cảm xúc? Dù có diễn đạt vòng quanh lan man cỡ nào đi nữa, bà cũng chốt lại ở ý niệm: khi đã là một người phụ nữ đẹp thì ý thức trân quý bản thân phải luôn tươi mới. Thế thôi, là đủ cho bà lướt tay trên đen và trắng của dương cầm. Vẫn nồng nàn ở buổi hoàng hôn.

Trần Minh Anh