Năm 2022, tỉnh Bình Phước xảy ra 35 vụ xâm hại trẻ em và trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục xảy ra 18 vụ. Về tình trạng đuối nước, trong năm 2022, 19 trẻ tử vong, 6 tháng đầu năm 2023 là 10 trẻ. 

Ngày 27/10, hơn 200 học sinh Trường THCS Phước Minh huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước tham dự chương trình tập huấn một số kỹ năng về an toàn, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích cho trẻ em.

Chương trình do Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh phối hợp Viện Khoa học An toàn Việt Nam tổ chức. Các em học sinh cùng giáo viên của trường đã được hướng dẫn thực hành một số kỹ năng cần thiết như sơ, cấp cứu ban đầu; xử lý cứu người bị điện giật; xử lý khi bị đuối nước; thoát khỏi đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn; phòng tránh xâm hại, bạo lực học đường; tránh xa những nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng…

Với những minh họa cụ thể, thực hành thực tế, các em học sinh đã có thêm kiến thức, nắm được các phương pháp, kỹ năng để phòng tránh các mối nguy hiểm tiềm ẩn, biết tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Chương trình tập huấn nhằm góp phần ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trẻ em bị đuối nước, bị bạo lực, xâm hại, tạo điều kiện cho trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện.

Cũng tại tỉnh Bình Phước, cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh trong trường THCS Tân Lập, huyện Đồng Phú  cũng được hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích.

Tại buổi tập huấn ngày 28/10, học sinh, phụ huynh và các giáo viên vừa được nghe lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn, hình thành kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu khi có tai nạn xảy ra, giúp các thầy cô giáo và các em học sinh tự tin, bình tĩnh khi giúp đỡ bạn bè, người thân khi bất ngờ xảy ra sự cố. Ngoài ra, giáo viên và học sinh đã được hướng dẫn các thao tác phòng tránh, sơ cứu, các phương pháp xử lý vết thương với nhiều giả định thực tế.

Theo lãnh đạo Viện Khoa học An toàn Việt Nam tại Bình Phước, việc nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là vô cùng cần thiết. Các chuyên gia đã hướng dẫn những kỹ năng đơn giản nhưng lại vô cùng quý báu giúp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho mọi người, nhất là trẻ em.

Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), ngày 18/10, 100 học sinh các độ tuổi cũng được tham gia chương trình huấn luyện thực hành, trải nghiệm kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích. Các em được giới thiệu và thực hành phòng chống hỏa hoạn, phòng chống bắt cóc và xâm hại tình dục. Thông qua chương trình, các em học sinh có thể nhận diện những mối nguy hiểm trong cuộc sống hằng ngày như tai nạn về đuối nước, điện giật, cháy nổ, bắt cóc, xâm hại.

Ngoài ra, các em được tập huấn cách thoát hiểm trong phòng giả lập cháy, thực hành thuần thục động tác lăn tròn, băng qua cánh cửa đầy lửa và sử dụng bình chữa cháy. Tự vệ thoát hiểm khi bị người xấu bắt cóc, xâm hại cũng là nội dung các bé được thực tế.

Chương trình nhằm giúp trẻ phản xạ khi có người đụng chạm vào vùng riêng tư, có kỹ năng thoát hiểm nhanh nhẹn khi có kẻ xấu bắt cóc, xâm hại; có kiến thức quan trọng để nhận diện vùng nguy hiểm khi đi tắm và cách thoát nạn khi không may bị rơi xuống nước. Bên cạnh đó, trẻ được nâng cao nhận thức về công tác PCCC; có kỹ năng thoát hiểm khi không may có hỏa hoạn.

W-ph242ng-ch225y.png
Giáo viên, học sinh được nâng cao nhận thức về công tác PCCC; có kỹ năng thoát hiểm khi không may có hỏa hoạn. 

Còn tại Bắc Giang, Viện Khoa học an toàn Việt Nam phối hợp với chính quyền tổ chức các hội nghị tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm học 2023-2024. Thông qua lớp tập huấn, các giáo viên, cán bộ ngành giáo dục tỉnh được trang bị thêm những kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn. Qua đó, thực hiện tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích tại các cơ sở giáo dục và địa phương.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 trẻ em bị thương tích, hơn 6.000 trường hợp tử vong. Trong đó có đến hơn 50% các tai nạn thương tích xảy ra do ngã, tai nạn giao thông, dị vật, ngộ độc thực phẩm, vật sắc nhọn gây nên, đuối nước, điện giật, bỏng, bom mìn...

Số liệu tổng hợp cho thấy trẻ bị ngã chiếm 29,03%, còn trẻ bị tai nạn giao thông chiếm 26,1%. Số vụ điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông... có tỷ lệ thấp nhưng nguy cơ tử vong rất cao, chiếm hơn 80% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên.

Ngọc Chính và nhóm PV, BTV